Cháu 23 tuổi, ngón tay sưng đỏ ở đốt giữa, đau nhức khó chịu. Đau một thời gian là hết, nhưng lần này khá lâu rồi mà chưa khỏi, mỗi lần sưng đau không cố định ở một ngón.
Thưa bác sĩ,cháu năm nay 23tuôi. ngón tay tự dưng sưng đỏ ở đốt giữa, đau nhức khó chịu, thể hiện rõ nhất là mỗi sáng thức dây. Đau một thời gian là hết, nhưng lần này khá lâu rồi mà chưa khỏi, mỗi lần sưng đau không cố định ở một ngón . Cháu có đi khám, bác sĩ bảo bao khớp bị yếu, cử động mạnh là sẽ sưng đau .Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu cám ơn. Cháu gái (ĐOAN PHUONG)
Trả lời:
Theo các triệu chứng bạn mô tả ttrong thư, đó có thể là triệu chứng bị viêm khớp dạng thấp, là một bệnh tự miễn (do hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô của cơ thể mình), gặp nhiều ở phụ nữ (tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới).
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu từ từ với các dấu hiệu tăng dần. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ sưng đau một số khớp: ngón tay, cổ tay, ngón chân, đầu gối; mức độ viêm không nhiều, ngón tay có hình thoi. Họ thường có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng (bàn tay cứng đờ khó cầm nắm lúc mới ngủ dậy), mệt mỏi, sốt nhẹ, ăn uống kém.
Sau vài tháng, các triệu chứng đầy đủ hơn: viêm nhiều khớp, sưng đau, hạn chế vận động các khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, viêm đối xứng hai bên, khớp gối có thể có dịch. Dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng thường kéo dài từ một đến vài giờ. Một số trường hợp có những dấu hiệu ở ngoài khớp như nổi hạt dưới da ở quanh khớp, viêm gân nổi hạch đau, lách to, thiếu máu, teo cơ vùng khớp viêm. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt, rối loạn tiêu hóa, gầy sút, mệt mỏi.
Bệnh diễn biến kéo dài nhiều năm, các khớp viêm dần dần biến dạng và dính. Bàn tay biến dạng và dính ở tư thế nửa co và lệch trục; khớp gối dính ở tư thế nửa co, làm mất khả năng đi lại. Đặc điểm của bệnh là các khớp viêm thường đối xứng cả hai bên với triệu chứng sưng, đỏ, đau và cứng khớp, ảnh hưởng đến dây chằng, gân, cơ và mô xung quanh. Với viêm đa khớp dạng thấp cần được điều trị tây y, kết hợp cùng vật lý trị liệu kịp thời (tuy không khỏi hẳn, và trong nhiều trường hợp phải dùng thuốc suốt đời) nhưng có thể giúp người bệnh hoạt động gần như bình thường. Nếu để bệnh lâu hoặc chữa trị sơ sài theo lời bày vẽ của người không chuyên môn sẽ sinh nhiều biến chứng như viêm màng ngoài tim, viêm hạch bạch huyết, biến dạng khớp…
Người bệnh cần nghỉ ngơi trong thời gian sưng đau nhiều; tăng cường vận động, tập luyện, xoa bóp để tránh dính khớp, teo cơ; ăn nhiều calo, vitamin, hoa quả. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ kê các thuốc chống viêm, giảm đau cho phù hợp. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc vì có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm.
Điều trị đầy đủ viêm khớp dạng thấp có nghĩa là người bệnh phải biết cách bảo vệ những khớp đau bằng cách tập luyện đặc biệt để tăng cường lực cơ và duy trì sự vận động của khớp. Thuốc không thể làm khỏi đau hoàn toàn nên việc chườm (nóng hoặc lạnh) và những kỹ thuật vật lý trị liệu khác là cần thiết. Ngoài ra, có thể kết hợp điều trị bằng các loại thuốc của y học cổ truyền và châm cứu.
Bạn cần đi khám tại chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!
Bs.Thuocbietduoc
(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)