Bệnh cúm gia cầm hay còn gọi là cúm chim, cúm gà, cúm týp A là bệnh cúm gây bởi một týp virus cúm sống trên loài có lông vũ, nhưng có thể lây nhiễm sang nhiều loài động vật có vú.
Bệnh được xác định lần đầu tiên ở Montenergro vào đầu những năm 1900 và hiện được biết là có mặt trên khắp thế giới.
Chủng cúm gia cầm H5N1 xuất hiện năm 1997 tại Hồng Công nhiều khả năng là nguồn gây dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm của nhiều nước châu Á từ cuối năm 2003 đến nay và đại dịch cúm trong tương lai.
Các con đường lây truyền
Từ động vật sang người
Năm 1997, tiếp xúc với gia cầm sống trong vòng 1 tuần trước khi khởi phát bệnh có liên quan với bệnh ở người, trong khi ăn hoặc chế biến các sản phẩm gia cầm hoặc tiếp xúc với người bị bệnh cúm A (H5N1) không gây nguy cơ đáng kể . Tiếp xúc với gia cầm bệnh và làm thịt gia cầm có liên quan với huyết thanh dương tính với cúm A (H5N1). Trong đợt dịch mới đây, phần lớn bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, mặc dù không phải là những người làm nghề giết mổ gia cầm. Nhổ lông và chế biến gia cầm bệnh, ôm gà chọi, ăn tiết canh vịt hoặc thịt gia cầm chưa nấu chín đều đã được nhắc tới. Tình trạng lây bệnh sang thú thuộc loài mèo đã thấy trong một số vườn bách thú ở Thái Lan do sử dụng gà bệnh làm thức ăn cho hổ và báo và lây bệnh sang mèo nhà trong thí nghiệm. Trong điều kiện thí nghiệm cũng đã thấy hiện tượng lây bệnh giữa các con thú thuộc họ mèo. Một số trường hợp nhiễm bệnh có thể khởi đầu bởi virus ủ bệnh ở thanh quản hoặc đường tiêu hóa.
Từ người sang người
Lây truyền cúm A (H5N1) từ người sang người đã được chỉ ra trong một số vụ có nhiều bệnh nhân trong cùng gia đình và trong một trường hợp lây bệnh rõ ràng từ con sang mẹ. Tiếp xúc gần gũi mà không áp dụng các biện pháp phòng ngừa đã được nhắc tới, và cho đến nay chưa xác định được trường hợp nào lây bệnh từ người sang người qua những giọt dịch tiết. Năm 1997, lây truyền từ người sang người không xảy ra qua tiếp xúc xã giao, và xét nghiệm huyết thanh trên nhân viên y tế có phơi nhiễm cho thấy virus chưa đủ khả năng lây truyền. Các điều tra huyết thanh học ở Việt Nam và Thái Lan chưa tìm thấy bằng chứng của nhiễm virus không triệu chứng ở những người có tiếp xúc. Gần đây, việc giám sát tích cực những người có tiếp xúc với bệnh nhân bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược đã dẫn tới việc phát hiện được những trường hợp nhẹ và nhiều ca nhiễm bệnh hơn ở người già, và sự gia tăng số lượng cũng như khoảng thời gian của các nhóm bệnh nhân trong cùng gia đình ở miền bắc Việt Nam, kết quả này cho thấy các chủng virus địa phương có lẽ đã thích nghi với người. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu dịch tễ và virus học để xác nhận phát hiện này. Cho đến nay, nguy cơ lây truyền trong bệnh viện sang nhân viên y tế là khá thấp, ngay cả khi không áp dụng những biện pháp cách ly thích đáng. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có một y tá bị bệnh nặng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Từ môi trường sang người
Căn cứ vào khả năng sống của cúm A (H5N1) trong môi trường, về mặt lý thuyết có thể có nhiều mô hình lây truyền khác. Uống phải nước nhiễm bẩn trong khi bơi và sự tiếp xúc trực tiếp của niêm mạc mũi và kết mạc với nước nhiễm bẩn là một mô hình có thể xảy ra, cũng như tay nhiễm bẩn từ gia cầm bệnh. Việc sử dụng rộng rãi phân gia cầm chưa qua xử lý để làm phân bón cũng là một yếu tố nguy cơ.
Cẩm Tú
Thông tin Y học Việt Nam