Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2012 dịch cúm gia cầm (cúm A – H5N1) rất có nguy cơ bùng phát.
Thực tế cho thấy, chỉ trong tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay đã có 4 bệnh nhân cúm A(H5N1), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Gần đây nhất, tại huyện An Lão, Hải Phòng đã xuất hiện cúm gia cầm khiến 3.110 con vịt mắc bệnh.
Đây là một dấu hiệu cảnh báo không thể chủ quan, lơ là với cúm gia cầm, đặc biệt khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có cảnh báo cúm gia cầm có thể lây truyền từ người sang người. Báo Sức khỏe & Đời sống giới thiệu bài viết về bệnh cúm A(H5N1) để bạn đọc có thêm thông tin cũng như có những hành động cụ thể bảo vệ bản thân và gia đình, góp phần ngăn chặn bệnh bùng phát.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do loại virus cúm gây ra. Virus cúm có 3 týp là A, B và C. Virus dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường nhưng nó có khả năng sống rất lâu ở nhiệt độ thấp.
Đặc điểm của bệnh cúm và virus gây bệnh cúm
Trong dòng các virus cúm, H5N1 là loại có hoạt động lây nhiễm lớn nhất do khi đã xâm nhập vào tế bào nó sẽ nhận biết được acid sialic alpha 2 và 3, hoạt chất có trên bề mặt tất cả các tế bào trong cơ thể gia cầm. Đây có thể xem là tính chất đặc trưng của virus cúm H5N1 vì nhiều loại virus cúm týp A khác không có tính chất này nên chỉ có thể lây lan và tác động trực tiếp trong phổi.
Nhờ H5 và N1 phối hợp với nhau, virus có thể tự do di chuyển trong tất cả các mô của gia cầm, từ đó phá hủy hầu hết các cơ quan nội tạng của gia cầm như hệ hô hấp, tiêu hóa… làm con vật bị chết. Khác với các chủng loại gây bệnh cúm gia cầm thường gặp trước đây chỉ ảnh hưởng đến đàn gia cầm nuôi, hiện nay nó có thể truyền sang người gây nên bệnh nghiêm trọng và có thể tử vong.
Cúm gia cầm và cúm A(H5N1) lây truyền như thế nào?
Các virus cúm nói chung có khả năng đột biến nhanh chóng, biến động nhảy từ giống động vật này sang giống động vật khác và có khả năng lây nhiễm sang người. Người bị lây nhiễm virus bắt nguồn từ gà có khả năng lan truyền virus sang cho người khác nhưng phần nhiều ở thể bệnh nhẹ hơn là thể bệnh lây nhiễm trực tiếp từ gà bệnh. Trong trường hợp virus đột biến và phối hợp với một virus cúm người, nó sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người giống như cách thức lây lan bệnh cúm thông thường.
Nhận biết cúm gia cầm và cúm A-H5N1 ở người
Trong bệnh cúm A(H5N1) ở người, virus cúm gia cầm H5N1 khi tấn công vào người, nó xâm nhập vào tế bào chủ rồi nhanh chóng tự nhân bản ra khắp nơi trên cơ thể bệnh nhân. Hệ miễn dịch của người bệnh bị yếu dần và cuối cùng không còn khả năng chống đỡ với các bệnh lây nhiễm khác. Những người bị nhiễm thường không có triệu chứng nghiêm trọng trong vòng từ 5-7 ngày kể từ lúc bị nhiễm.
Khi bệnh nặng, bệnh nhân sốt cao, sốt liên tục trên 38ºC kèm rét run, đau đầu, đau mỏi các cơ khớp, ho khan, khó thở rồi chuyển sang mắc bệnh viêm phổi, suy hô hấp, viêm gan, viêm tủy xương, viêm các phủ tạng khác và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Điều trị và phòng bệnh
Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, loại thuốc tamiflu có tác dụng ức chế protein neuraminidases của cả virus cúm A và B, nhất là virus cúm A với tác dụng ngăn chặn sự nhân bản của chúng. Tamiflu có thể được sử dụng để phòng cúm týp A và B cho người từ 13 tuổi trở lên nếu thuốc được uống trước khi tiếp xúc với virus ở những người bị bệnh. Tamiflu cũng tỏ ra có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hậu phơi nhiễm cúm. Tamiflu không phải là một loại vaccin mà chỉ là một loại thuốc, nó có tác dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng của bệnh cúm.
Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là loại trừ virus H5N1 trong đàn gia cầm hay súc vật khác để tránh sự lây truyền bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Để khống chế không cho dịch bệnh lan rộng thêm cũng như để giảm bớt cơ hội virus truyền sang cho người, WHO khuyến cáo nên tiêu hủy hết các đàn gà, vịt nhiễm virus hay chỉ bị phơi nhiễm virus.
Theo quy định của Tổ chức Sức khỏe vật nuôi Thế giới (OIE), khi một cơ sở có dịch cúm gia cầm thì toàn bộ gia cầm phải hủy bỏ, không điều trị vì tất cả các loại thuốc kháng sinh, chống nấm, hóa chất hiện có đều không diệt được virus cúm gia cầm trong cơ thể gia cầm bị bệnh. Hơn nữa virus có khả năng lây lan rất nhanh và khá nguy hiểm, có thể lây nhiễm và gây bệnh cho tất cả các loại gia cầm, nhiều loại chim trời, một số loài thú kể cả khả năng lây nhiễm sang cho con người.
Vì vậy khi có dịch cúm gia cầm, phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm ở trong ổ dịch, tiêu độc triệt để, diệt mầm bệnh, ngăn không cho dịch phát triển, tạo điều kiện, cơ hội để virus truyền sang người và gây bệnh cúm A(H5N1) ở người. Hiện nay, ngoài biện pháp tăng cường vệ sinh dịch tễ, chưa có biện pháp nào khả thi để ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm gia cầm khi nó đã có khả năng truyền bệnh từ người sang người.
Khuyến cáo Cục Y tế phòng ngừa cúm A(H5N1)
Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lưu ý, tại nhiều tỉnh miền Bắc, virus cúm gia cầm đã biến đổi, hiệu quả bảo hộ của vaccin rất thấp, trong khi thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát triển; virus cúm A(H5N1) đang phát tán rộng rãi ngoài môi trường, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng nên nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất cao.
Cục Y tế dự phòng và Môi trường – Bộ Y tế khuyến cáo, người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau để phòng ngừa cúm A(H5N1):
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
- Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Minh Thúy
Sức khỏe & Đời Sống