Theo bác sĩ CK1 Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa ngoại lồng ngực (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), nhồi máu cơ tim là tình trạng bị nghẽn mạch, thiếu máu đến nuôi một vùng tim, gây hoại tử cơ tim. Triệu chứng nhồi máu cơ tim là xuất hiện những cơn đau vùng tim, đau kiểu co thắt làm cho bệnh nhân lo lắng bồn chồn; đau lan ra khắp vùng trước ngực, lan ra hai tay, cổ, hàm và lan ra sau lưng; đau kéo dài từ một vài giờ đến vài ngày.
Một số triệu chứng khác của nhồi máu cơ tim cũng xuất hiện đồng thời, như: buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nấc, ợ hơi; rối loạn tim mạch, tụt huyết áp, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mặt tím tái; sốt sau khi xuất hiện cơn đau, thân nhiệt cao.
Cũng có trường hợp không hề có triệu chứng (nhồi máu cơ tim thầm lặng) hoặc lại hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng rối loạn nhịp, ngừng tim hay đột tử… Ở nhiều trường hợp, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim là do một trong số các động mạch vành nuôi tim bị lấp, tắc do cục máu đông hình thành tại chỗ khiến cho các mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra.
Một số ít trường hợp nhồi máu cơ tim có thể là hậu quả của tình trạng co thắt mạch vành đột ngột, làm ngừng trệ quá mức dòng máu dẫn đến nuôi cơ tim. Nhồi máu cơ tim nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị suy tim cấp, tai biến mạch máu não và tử vong.
Lưu ý trong điều trị cho người bệnh nhồi máu cơ tim
Người bị nhồi máu cơ tim phải tuyệt đối an tĩnh về mặt thể chất và tinh thần nhằm làm giảm tối đa gánh nặng cho tim, đặc biệt là vùng hoại tử. Nếu không, cơ tim lúc đó sẽ không đủ sức cung cấp máu cho toàn cơ thể và nhanh chóng bị suy cấp.
Ở trạng thái yên tĩnh, cơ tim chỉ đòi hỏi oxy và chất nuôi dưỡng tối thiểu, nên các mạch vành mới có khả năng cung cấp tạm đủ nhu cầu cho cơ tim. Khi đó, vùng cơ tim thiếu máu dần được hồi phục và thu hẹp tối thiểu vùng hoại tử, tránh các tai biến sau này. Nếu người bị nhồi máu cơ tim không giữ được an tĩnh thì vùng tim bị nhồi máu sẽ dễ bị phình và vỡ do gắng sức. Những biến chứng có thể xảy ra là tắc mạch máu não, phù phổi cấp gây khó thở, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp tụt, gan to và phù.
Cần bất động trong bao lâu?
Thời gian nằm tại giường phải là 4-6 tuần, trong đó thời gian bất động hoàn toàn tối thiểu phải là 1 tuần. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể nhấc tay, co chân, quay đầu và trở mình, song phải giữ nguyên chế độ nằm tại gường và thật từ tốn.
Nếu thể nhồi máu cơ tim nhẹ và không có biến chứng thì người bệnh chỉ cần bất động trong 10-15 ngày, sau đó có thể tập thể dục trị liệu tuỳ theo mức độ nặng nhẹ và tình trạng mạch, huyết áp, điện tim.
Nếu trong điều trị, người bệnh vội vàng vận động sẽ rất nguy hiểm và gặp những biến chứng sau này như chứng phình cơ tim, suy tim, hoặc tử vong.