Viêm mũi dị ứng là bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh viêm mũi và cũng là dạng dị ứng phổ biến nhất trong các dạng dị ứng. Tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng tại các nước đang phát triển theo đánh giá hiện nay là rất cao.
Viêm mũi dị ứng là kết quả của phản ứng dị ứng qua các chất trung gian IgE dẫn đến phản ứng viêm của niêm mạc mũi với các triệu chứng như nhảy mũi ( thường vào sáng sớm), sổ mũi, ngứa mũi ,nghẹt mũi.
Các dạng thường gặp của viêm mũi dị ứng
Tùy vào nguyên nhân mà hiện nay viêm mũi di ứng được chia thành 3 loại :
1. Viêm mũi dị ứng theo mùa : Loại này thường xảy ra ở một mùa nhất định trong năm, thường là mùa xuân và mùa hè. Dị nguyên điển hình là phấn hoa cỏ cây nên trước đây được gọi là sốt cỏ hay viêm mũi phấn hoa. Bệnh xảy ra cùng thời điểm năm trước và có thể đoán biết trước thời điểm khỏi bệnh. Khi người bệnh có biểu hiện hắt hơi, ngẹt mũi, chảy nước mũi trong khoảng thời gian cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 thường được phán đoán là viêm mủi dị ứng loại này.
2. Viêm mũi dị ứng quanh năm : là loại thường gặp nhất trong các thể viêm mũi di ứng, thường đi kèm với các bệnh khác về hô hấp như hen phế quản, viêm xoang dị ứng. Cơn dị ứng mũi có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm và thường xuyên xảy ra, không theo quy luật. Nguyên nhân rất nhiều, khó xác định cụ thể.
3. Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp : xảy ra do sự tiếp xúc với một chất hoặc tác nhân trong môi trường làm việc. Dù được nghiên cứu muộn nhưng viêm mũi dị ứng loại này đang là một vấn đề nổi cộm trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Loại này được phân thành 2 nhóm là viêm mũi dị ứng khu vực văn phòng và ngoài văn phòng.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Điều trị không dùng thuốc
Viêm mũi dị ứng khó điều trị, thường xuyên tái phát vì liên quan đến dị ứng. Nếu người bệnh còn tiếp xúc với dị nguyên thì bệnh không bao giờ khỏi hẳn được. Cần xác định rõ dị nguyên của người bệnh là gì để có sự sắp xếp lại không gian sống, thói quen hàng ngày mà tránh đi thì mới mong dứt bệnh. Các dị nguyên thường gặp là phấn hoa, nấm mốc, bụi bặm, bọ nhà, vật nuôi, khí lạnh ….
Cần giữ vệ sinh thật tốt quanh nơi sống, giữ ấm mũi vào trời lạnh hay khi ngủ trong phòng máy lạnh. Theo kinh nghiệm thực tế, việc xông hơi nước nóng có chứa lá tinh dầu thơm cũng giúp cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
Điều trị dùng thuốc
Dựa vào cách dùng thuốc, chia thành 2 nhóm là thuốc dùng tại chỗ ( nhỏ mũi, xịt mũi) và thuốc uống.
Thuốc dùng tại chỗ an toàn và dễ tìm nhất là nước muối sinh lý NaCl 0,9% dùng để rửa muỗi giúp thông sạch mũi. Các loại thuốc xịt có chứa các chất làm co mạch ( naphazolin, oxymetzolin) có tác dụng thông mũi nhanh nhưng chỉ được dùng tối đa trong 5 ngày và không nên dùng cho trẻ nhò. Dạng glucocorticoid xịt chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Nhóm thuốc uống phổ biến là kháng histamine ( fexofenadin, loratadin…), kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, glucocorticoid dạng uống. Việc sử dụng nhóm thuốc uống này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc về dùng.
Xem thêm : Video tư vấn về bệnh viêm mũi dị ứng