Tăng áp động mạch phổi là một triệu chứng về mặt huyết động rất thường gặp. Nguy cơ quan trọng nhất của tăng áp động mạch phổi là sẽ dẫn đến tình trạng tăng gánh thất phải và từ đó gây ra suy tim phải với mức độ ngày càng nặng dần lên. Thường tăng áp động mạch phổi là kết quả của những sự thay đổi về mặt mô học với các tổn thương và khả năng phục hồi rất khác nhau của lưới động mạch phổi.
Nguyên nhân tăng áp động mạch phổi
Có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây tăng áp động mạch phổi là:
- Các bệnh tim có làm tăng lưu lượng máu ở phổi hoặc các cản trở trên đường về của tĩnh mạch phổi.
- Tình trạng giảm oxy máu mà thông thường là do các bệnh phổi mạn tính.
- Tổn thương tiên phát ở hệ thống mạch máu phổi.
Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi
Các dấu hiệu cơ năng:
Khó thở, đau ngực đôi khi ho ra máu là những triệu chứng thường gặp.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
- Khó thở khi gắng sức là biểu hiện sớm nhất và hằng định nhất trong các triệu chứng lâm sàng.
- Bệnh nhân thường mệt mỏi nhiều, có thể có ngất khi gắng sức nhiều.
- Đau ngực giống như là đau trong suy vành, có thể xuất hiện trong trường hợp có tăng áp động mạch phổi rất nặng vì nó làm cho thiếu máu của thất phải thứ phát do tăng nhu cầu oxy của thất phải phì đại.
- Đôi khi có thể ho ra máu do vỡ những chỗ phình của các mao mạch phổi.
- Rối loạn phát âm (giọng đôi, giọng khàn, mất giọng) do động mạch phổi dãn nở chèn ép vào dây thần kinh quặt ngược trái thường gặp trong những trường hợp có tăng áp lực động mạch phổi nhiều.
Các dấu hiệu thực thể: Thường không có gì đặc hiệu của tăng áp động mạch phổi cả. Người ta có thể phân ra:
Những dấu hiệu liên quan trực tiếp đến tăng áp động mạch phổi: T2 mạnh và tách đôi ở ổ van động mạch phổi – có tiếng click tống máu ở ổ van động mạch phổi, tiếng thổi tâm trương phản ánh một hở động mạch phổi do giãn động mạch phổi.
Những dấu hiệu có liên quan đến phì đại thất phải: Mỏm tim đập ở mũi ức, có tiếng ngựa phi ở trong mỏm.
Những dấu hiệu có liên quan đến giãn của thất phải: Có tiếng thổi tâm thu ở trong mỏm do hở van 3 lá cơ năng.
Những dấu hiệu của suy tim phải: Tĩnh mạch cổ nổi, phù ở chi dưới và gan to.
Các biện pháp chẩn đoán tăng áp động mạch phổi
- Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bằng phương pháp thông tim.
- Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bằng phương pháp điện tâm đồ.
- Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bằng phương pháp X quang tim, phổi.
- Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bằng phương pháp siêu âm tim.
- Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bằng phương pháp siêu âm Doppler tim.
Điều trị tăng áp động mạch phổi
Việc điều trị một cách lý tưởng tăng áp động mạch phổi tất nhiên là phải điều trị nguyên nhân đã gây ra tăng áp động mạch phổi. Ví dụ trong một số trường hợp như hẹp hai lá, hở hai lá, thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch. Để giải quyết những nguyên nhân nói trên thì cần phải thực hiện phẫu thuật mổ tách van hoặc thay van hay vá các lỗ thủng ở vách liên nhĩ, vách liên thất hoặc thắt ống động mạch.
Tuy nhiên trong những trường hợp tăng áp động mạch phổi khác hoặc tăng áp động mạch phổi tiên phát người ta có thể dùng một số các biện pháp điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa các biến chứng có thể sảy ra. Các biện pháp đó là:
- Hạn chế tất cả các hoạt động gắng sức.
- Liệu pháp oxy qua xông mũi có nhiều cải thiện rõ rệt về mặt lâm sàng, song hiệu quả của nó thường không được kéo dài.
- Dùng các thuốc chống đông trong một khoảng thời gian dài: Đây là một biện pháp quan trọng nhất kéo dài thời gian sống cho những người bị tăng áp động mạch phổi.
- Các thuốc giãn động mạch (Prostacycline, Nifédipine, Trinitrine…): Hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng và liều dùng của các loại thuốc này. Tốt nhất bạn nên nhờ sự tư vấn của các bác sỹ khi muốn dùng thuốc.
- Các thuốc lợi tiểu: Trong thực tế các thuốc lợi tiểu là một công cụ điều trị không tốn kém mà lại có hiệu quả tốt đối với giảm áp động mạch phổi. Trong nhiều trường hợp, sau khi dùng lợi tiểu đã làm giảm bớt nhanh chóng được con số áp lực động mạch phổi, tuy nhiên tác dụng của thuốc lại thường không bền.
- Điều trị suy tim (nếu có): Ăn nhạt, dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu….
Phẫu thuật ghép phổi hoặc ghép tim – phổi: Trong những trường hợp tăng áp động mạch phổi rất nặng, mặc dù đã điều trị bằng nhiều cách nhưng không thể làm cho áp lực động mạch phổi thuyên giảm thì người ta có thể đặt vấn đề phẫu thuật ghép phổi hoặc ghép tim – phổi. Tuy nhiên cần phải tôn trọng một số chỉ định và chống chỉ định của phương pháp này vì kết quả xa của phẫu thuật cũng còn có những hạn chế nhất định của nó.
Chỉ định:
– Trên lâm sàng có những dấu hiệu nặng lên nhanh chóng của bệnh suy tim phải, ngất khi gắng sức, đau ngực.
– Những thống kê về huyết động cho thấy tình trạng tiên lượng xấu:
- Sức cản phổi > 30UI/m2
- Chỉ số tim
- Thể tích tống máu tâm thu
– Không đáp ứng với các thuốc giãn mạch.
Chống chỉ định:
- Tuổi lớn hơn 55 tuổi.
- Có một bệnh toàn thể phối hợp.
- Có đái tháo đường.
- Có biểu hiện của suy thận nặng hoặc suy gan nặng.
- Có trạng thái tâm thần bất ổn.