Tiểu đường là căn bệnh đã không còn xa lạ từ lâu và đang được nhiều người quan tâm không chỉ bởi số người mắc ngày càng nhiều mà còn bởi những biến chứng đáng sợ của bệnh. Những trường hợp người mắc tiểu đường bị mù mắt, phải cưa bỏ chân, đột quỵ, trụy tim mạch chắc hẳn nhiều người đã mắt thấy tai nghe.
Tiểu đường và những biến chứng đáng sợ ở bàn chân
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể nên người bệnh luôn thường trực nỗi lo đường huyết tăng, giảm quá mức. Đường huyết tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời; còn hạ thấp quá lại khiến cho người bệnh bủn rủn chân tay, tim đập nhanh, nhìn mờ, không đứng vững được, ngã ra hoặc thỉu đi. Tình huống sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu người bệnh bị hạ đường huyết ở ngoài đường hoặc đối với ở người già, do xương giòn nên rất dễ gãy tay do chống khi ngã nên hậu quả thường nặng nề hơn. Đặc biệt nếu để hạ đường huyết nặng hoặc kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não nặng, thậm chí tử vong. Để hạn chế hệ lụy cần giữ đường máu ổn định, người bệnh phải tuân thủ chế độ điều trị cùng chế độ ăn kiêng như không được ăn no, cũng không để đói, ngày phải ăn 4-5 bữa nhỏ, thức ăn phải hạn chế đường, ít mỡ và muối. Người bệnh nên ăn các loại miến dong, rau xanh, thịt nạc, cá, trái cây ít ngọt như mít, na…, hạn chế ăn nội tạng động vật, lòng đỏ trứng … vì dễ làm tăng đường trong máu, cũng không hút thuốc lá, rượu bia vì rượu bia dễ làm hạ đường huyết, còn thuốc lá lại làm tăng thêm nguy cơ bệnh tim mạch trên nền người bệnh đã sẵn nguy cơ cao. Cũng có thể do chế độ điều trị, kiêng khem khắt khe như vậy nên không ít bệnh nhân không đảm bảo được yêu cầu điều trị, để đường huyết quá cao đến mức phải vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Ngoài ra, nếu không duy trì được lượng đường máu ổn định, để bệnh tiến triển nặng thêm, người bệnh còn phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm hơn nhiều.
Phải kể đến đầu tiên là nguy cơ nhiễm khuẩn. Đường trong máu cao khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm da, viêm lợi, viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm khuẩn tiết niệu… Đặc biệt là ở những chỗ khuất, khó nhìn hay ít để ý như bàn chân thì tình trạng viêm nặng nề hơn rất nhiều. Sở dĩ bị như vậy là do hệ thống mao mạch nuôi dưỡng các dây thần kinh ngoại vi bị tổn thương từ đó dẫn đến yếu cơ, thay đổi cảm giác, tê bì hoặc kim châm nên khi bị nhiễm trùng, thậm chí là loét sâu bệnh nhân cũng không cảm nhận được. Cộng thêm đường máu cao rất dễ gây viêm động mạch chi dưới của người bệnh, từ đó gây tắc mạch chi làm hoại tử các ngón chân, loét bàn chân. Để nặng hơn, người bệnh buộc phải cưa chân để bảo toàn tính mạng. Thực tế, ở Mỹ mỗi năm có khoảng 20.000 bệnh nhân tiểu đường bị cắt bỏ bàn chân hay cưa chân cũng chỉ bởi nhiễm khuẩn. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần hết sức cẩn thận và chu đáo trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là đôi chân của mình.
Không chỉ vậy, đôi mắt của người tiểu đường cũng rất dễ bị đe dọa. Theo thống kê thì có tới 20% bệnh nhân có biến chứng về mắt ngay khi phát hiện bệnh và con số này tăng lên tới 75% đối với những người mắc bệnh trên 10 năm. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa với những người trong độ tuổi lao động ở các nước châu Âu và Mỹ.
Võng mạc biến chứng ở người bệnh đái tháo đường.
Hằng ngày chúng ta nhìn được là bởi mắt tựa như một chiếc máy quay phim, các hình ảnh được phản chiếu lên võng mạc và được truyền tải đến thần kinh trung ương qua hệ thống các dây thần kinh. Ở người mắc bệnh tiểu đường, các mao mạch và dây thần kinh ở võng mạc bị tổn thương làm cho mắt của người bệnh mờ dần, lâu ngày dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, tiểu đường còn gây tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Đây là một biến chứng đáng sợ vì “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, thử hỏi, khi mà đôi mắt đã mờ, đôi tay bị nhiễm trùng nặng, thậm chí phải rút cả khớp thì liệu người bệnh có thể tự chăm sóc, tự nuôi sống bản thân được hay không?
Cũng liên quan đến việc các mao mạch bị tổn thương, biến chứng tại thận cũng là một trong những biến chứng khiến cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân phải đau đầu. Với thời gian, bệnh tiểu đường và bệnh cao huyết áp gây tổn thương tế bào vi mạch thận, làm giảm chức năng lọc, bài tiết nước tiểu. Bệnh nặng dẫn đến suy thận và huỷ hoại chức năng của thận khiến người bệnh phải lọc máu theo chu kì _ đây là kĩ thuật y học có chi phí khá cao, gây tốn kém rất nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng này thường xảy ra ở người bệnh trên 20 năm.
Một vài biến chứng cũng nguy hiểm không kém biến chứng tại thận là những biến chứng tại các động mạch lớn như bệnh mạch vành, nhồi máu và xuất huyết não. Đây là những nguyên nhân gây tử vong chính trong bệnh đái tháo đường.
Nhìn chung, bệnh đái tháo đường type 2 hiện chưa có thuốc chữa dứt điểm. Người bệnh chỉ còn cách lựa chọn là sống chung hòa bình với bệnh, kiểm soát tốt lượng đường trong máu để hạn chế các biến chứng. Để được như vậy thì người bệnh phải tuân thủ chế độ điều trị, vận động và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng; không nên chủ quan đồng thời chú ý khám sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện những biến chứng và có phương án điều trị thích hợp.
Ngọc Bích