Khi mang thai, người phụ nữ phải thích nghi với rất nhiều sự thay đổi như cân nặng tăng lên, xuất hiện mụn trứng cá, da có thể bị nám, mệt mỏi, nôn nao, đi tiểu nhiều …Sức đề kháng kém là cơ hội cho các virus tấn công, phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất dễ bị cảm cúm, tăng huyết áp …Tuy sau khi sinh, huyết áp có thể trở lại bình thường nhưng nếu không được kiểm soát, theo dõi sát sao, thai phụ bị cao huyết áp có thể đối diện với nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe của bản thân và sức khỏe của em bé trong bụng.
Với bà bầu bị tăng huyết áp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Với người đã bị tăng huyết áp từ trước, trước khi có ý định có thai, bạn nên báo cho bác sỹ điều trị biết ý định muốn có thai của bạn để bác sỹ thay đổi thuốc huyết áp phù hợp cho người mang thai.
- Việc uống thuốc điều trị huyết áp cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Ngoài chế độ ăn riêng dành cho bà bầu, các bà bầu bị tăng huyết áp nên chú ý ăn nhạt hơn, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng để giữ huyết áp ổn định. Đặc biệt nên tránh tuyệt đối rượu và thuốc lá.
- Cần thăm khám đều đặn, định kỳ và đo huyết áp mỗi lần thăm khám.
- Khi có những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt có vấn đề về thị lực như nhìn mờ hoặc phù nhiều ở mặt, tay chân, tăng cân nhanh, đau nhiều ở vùng bụng trên thì cần đi khám ngay lập tức
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cao huyết áp khi mang thai?
Hội chứng tiền sản giật – sản giật có thể phòng ngừa hoặc giảm bớt biến chứng nhờ khám thai tốt. Tuy nhiên vẫn phải chú ý đến các yếu tố dẫn đến tiền sản giật như bệnh sử gia đình, bệnh sử nội khoa và bệnh sử thai kỳ.
Khi mang thai, các bà mẹ cần bổ sung thức ăn nhiều đạm, calo, không nên ăn quá mặn nhưng cũng không hạn chế muối và nước. Cần tuân thủ việc điều trị tiểu đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa đang có sẵn.
Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự theo dõi các dấu hiệu của bệnh khi trở nặng như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, ói nhiều,…
Lưu ý, khi có một trong các dấu hiệu trên sản phụ cần nhập viện ngay bởi thực tế lúc nào tiền sản giật cũng có thể biến thành sản giật , khó có thể đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào trạng thái hôn mê, phù não, xuất huyết não, phũ phổi cấp, suy tim, bong nhau non, có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Việc điều trị bệnh phụ thuộc phần lớn vào mức độ trầm trọng của bệnh và tuổi của thai nhi. Vấn đề chính là phải hạ huyết áp, điều chỉnh các rối loạn về huyết học, chức năng gan, thận và cắt cơn giật (nếu có). Nếu cần chấm dứt nhanh thai kỳ thì có thể giúp sinh hoặc mổ thai.
Còn đối với các sản phụ đã có biến chứng của cao huyết áp như tim to, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận thì tốt nhất nên chấm dứt thai kỳ sớm vì bệnh chỉ mất đi khi không còn mang thai trong tử cung.
.
Bảo Ngọc (st)