Gần đây tôi nghe nói nhiều đến chứng tăng huyết áp, và tăng huyết áp khi mang thai. Tôi đang mang thai lần đầu, thai nhi đã được hơn 23 tuần tuổi. Tôi muốn hỏi về các dấu hiệu của tăng huyết áp khi mang thai, làm thế nào để biết rằng mình có bị tăng huyết áp hay không? Xin trả lời giúp tôi, (Mai Linh – Hải Phòng)
Chào Bạn!
Khi mang thai, cơ thể người mẹ phải đối diện với rất nhiều sự thay đổi, sự gia tăng hooc mon, sự tăng trưởng kích thước bào thai cùng với đó là nhiều nguy cơ sức khỏe như tăng huyết áp, tiểu đường trong thai kỳ. Theo kết quả thống kê, có 25% trường hợp đẻ non là do tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai, trong đó có tiền sản giật là biến chứng nguy hiểm nhất, thậm chí gây tử vong cho mẹ và con. Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai có thể dẫn tới nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và em bé, vậy làm thế nào để nhận ra thai phụ có bị tăng huyết áp hay không?
Hầu hết các trường hợp thai phụ bị tăng huyết áp đều có những biểu hiện bên ngoài dễ nhận ra như cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Đây là hiện tượng rất hay xuất hiện ở sau tuần mang thai thứ 24 trong thai kỳ.
Ngoài các triệu chứng kể trên, để xác định chính xác chỉ số huyết áp của mình, thai phụ cần thường xuyên tới thăm khám tại các cơ sở y tế để theo dõi kiểm tra, hoặc có thể tự theo dõi huyết áp tại nhà với các loại máy đo huyết áp chuyên dụng.
Thai phụ bị tăng huyết áp nên làm gì?
Khám thai định kỳ : Không phải ai bị tăng huyết áp cũng đều có những biểu hiện ra ngoài. Nhiều trường hợp phải đo kiểm tra mới phát hiện mình bị tăng huyết áp. Do đó, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, đúng kỳ hạn để được đo huyết áp. Nếu giữa các lần khám thai xuất hiện một trong các triệu chứng nghi ngờ bị tăng huyết áp thì cần đi khám lại.
Ở thời kỳ hậu sản và cho con bú: Tăng huyết áp sau sinh cũng là 1 hiện tượng tương đối phổ biến. Với những trường hợp bị tăng huyết áp từ trước có thể dùng lại phác đồ điều trị như trước khi mang thai. Tuy nhiên, đối với trường hợp phụ nữ đang cho con bú thì không nên dùng thuốc lợi tiểu. Hầu hết các thuốc hạ huyết áp đều an toàn với phụ nữ cho con bú, chỉ có các thuốc như doxazosin, amlodipine và nhóm ức chế men chuyển là chưa có dữ liệu về độ an toàn. Với những phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở mà không bị tăng huyết áp thì sẽ ít bị nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những phụ nữ không sinh đẻ. Việc sinh đẻ cũng khiến phụ nữ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau này, điều mà nam giới không thể có được.
Tiền sản giật và sản giật: Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Trước đây người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào ba triệu chứng: tăng huyết áp, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng chỉ cần có tăng huyết áp thai nghén kèm với protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Đây là nguyên nhân của việc thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung và đẻ non. Có thể nói rằng, huyết áp tăng cao có nhiều ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau này. Vì thế việc chuẩn chuẩn đoán sớm và tiến hành dự phòng sự phát triển của bệnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ mang thai, thai nhi, đồng thời góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai đều cần thiết phải được theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, trong đó có vấn đề huyết áp. Nếu có những biểu hiện tăng huyết áp cần đến các trung tâm sản khoa và tim mạch để được điều trị phù hợp.
Theo Omron Healthcare