Nhiều bệnh nhân bị viêm xoang thường phàn nàn về những khó chịu và bất tiện mà nó mang lại trong sinh hoạt. Họ thường xuyên bị nhức đầu, nhức mũi, nghẹt mũi, cũng có trường hợp bị sốt cao, đau vùng mặt. Dùng thuốc nhỏ mũi rửa mũi hàng ngày là biện pháp giúp giảm đau nhức mũi, nghẹt mũi, khiến người bệnh viêm xoang dễ chịu hơn. Tuy vậy, để đảm bảo rằng thuốc có tác dụng tốt và ít có những phản ứng phụ, bệnh nhân cần thực hiện đúng cách.
Cách dùng thuốc nhỏ mũi điều trị viêm xoang
Trước khi nhỏ mũi, người bệnh cần xì mũi hay hút sạch chất mủ, dịch nhầy ứ đọng trong mũi. Như vậy khi dùng thuốc nhỏ mũi, thuốc sẽ tác động được niêm mạc mũi – xoang. Trình tự dùng thuốc nhỏ mũi có thể tóm gọn lại theo từng bước như sau:
Bước 1: Xì mũi
Có một sai lầm hay gặp đó là một số người không biết thường bịt chặt cả hai lỗ mũi rồi xì mạnh. Làm như vậy chỉ khiến các chất ứ đọng ở hốc mũi bị đẩy ngược vào xoang hay lỗ thông với họng.Để xì mũi đúng tránh gây tổn thương mũi, bạn cần bịt từng bên mũi, xì hơi mạnh bên đối diện để chất ứ đọng chảy ra hết. Trong trường hợp bạn bị tắc, ngạt mũi nhiều, hay bị chảy máu cam, bạn cần nhỏ thuốc co mạch để thông một phần trước, tránh gây tổn thương, chảy máu mũi khi xì hoặc hút mũi.
Bước 2: Hút mũi
Ở trẻ nhỏ bị viêm xoang sau, mủ đặc dính khó xì nên rất cần được hút mũi. Cha mẹ không nên thực hiện hút mũi với trẻ nhỏ bằng miệng vì như vậy rất dễ mất vệ sinh và chỉ lấy được chất ở ngay cửa sau lỗ mũi.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dụng cụ hút mũi với đầu ống bằng nhựa lắp vừa lỗ mũi của trẻ, nổi bởi bóng cao su. Khi thực hiện, bạn lấy ngón tay bịt lỗ mũi bên đối diện, bóp bóng cho khí ra hết, lắp đầu hút khí chặt lỗ mũi rồi bỏ bóng ra để hút dịch mũi xoang vào, nên làm mỗi bên vài lần để sạch hết chất bẩn. Nếu hút bằng máy, bạn phải dùng loại máy hút có điều chỉnh được áp lực để không hút quá mạnh, quá lâu gây hại cho niêm mạc mũi.
Bước 3: Nhỏ mũi
Khi nhỏ mũi, người bệnh nên nằm ngửa, hoặc ngồi ngửa để thuốc vào được trong hốc mũi, hướng đầu ống nhỏ ra phía ngoài cánh mũi, lên trên, sâu độ 1 cm với người lớn. Sau đó, nhỏ từng giọt, không nên quá 5 giọt. Sau khi nhỏ, bạn lấy tay day nhẹ trên cánh mũi để thuốc được vào sâu hơn.
Bệnh nhân viêm xoang sau nên nằm xuống khi nhỏ thuốc, đầu rời khỏi thành giường, ngửa tối đa để hướng hẳn lỗ mũi lên trên. Khi nhỏ thuốc vào thấy cay ở trán, gáy là thuốc vào được xoang. Sau khi nhỏ mũi, bạn không nên đứng lên, đi lại, hoạt động ngay, cần ngồi hoặc nằm im vài phút để thuốc vào được cả xoang.
Việc chọn thuốc nhỏ mũi cũng là vấn đề quan trọng với bệnh nhân viêm xoang. Hiện nay, tuy thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mũi nhưng cơ bản thuốc nhỏ mũi đều nhằm co mạch, tạo sự thông thoáng, thở thông và dẫn lưu tốt. Các thuốc co mạch thường dùng có các loại thuốc riêng dành cho trẻ nhỏ và cho người lớn.
Tốt hơn hết, người bệnh nên tới gặp bác sỹ để được hướng dẫn chi tiết về cách nhỏ thuốc cũng như các loại thuốc nên sử dụng.
Người bệnh viêm xoang nên rửa mũi hàng ngày
Nếu được rửa mũi thường xuyên và đúng cách sẽ giúp cho người bệnh kiểm soát được các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống rõ rệt. Những trường hợp bị viêm xoang mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp, cảm lạnh, và cảm cúm thì nên rửa mũi thường xuyên, nên rửa nước muối mỗi lần một ngày. Sau khi các triệu chứng giảm, chỉ cần thực hiện rửa mũi 3 lần một tuần. Tuy nhiên, không nên áp dụng với các trường hợp bị viêm tai giữa hay mũi bị bít tắc gây khó thở.
Quá trình rửa mũi đúng cách gồm: nhỏ nước muối sinh lý vào chảy từ một bên lỗ mũi sang lỗ mũi bên kia. Điều đó sẽ giúp rửa sạch chất nhầy và các chất gây dị ứng. Có thể tham khảo trình tự rửa mũi như sau:
Bước 1: Dùng bình phun sương, bình hình củ tỏi hay bình neti pot đều được, nếu không có điều kiện, bạn có thể dùng tay bạn có thể dùng tay để đổ nước muối sinh lý vào mũi, mặc dù cách này không dễ đối với những người làm lần đầu.
Bước 2: Nếu bạn dùng bình xịt thì bỏ qua bước này. Bạn chuẩn bị chai dung dịch nước muối 0,9% hoặc bột muối sinh lý để tự pha từ một đến 2 cốc nước đun sôi để nguội với 1/4-1/2 thìa muối tinh, sau đó cũng đổ vào bình.
Bước 3: Nếu dùng chai dạng bóp, neti pot hay ống tiêm thì cần nghiêng người về phía bồn rửa hoặc chậu một góc 45 độ. Nghiêng đầu để khi nước muối chảy từ mũi này sang mũi kia sẽ rơi vào đúng chậu. Lưu ý không ngả đầu ra phía sau.
Bước 4: Đặt vòi của bình neti pot hoặc ống tiêm hoặc bình xịt vào một bên cánh mũi . Bạn há miệng rồi từ từ xịt, rót nước muối vào mũi, nhớ là trong suốt quá trình, chỉ thở bằng miệng, không thở bằng mũi.
Bước 5 : Sau khi dùng bình xịt, nước muối sẽ chảy từ mũi bên này sang bên kia giúp cho quá trình làm sạch mũi.
Bước 6: Xì mũi nhè nhẹ để làm sạch các dịch còn sót trong mũi. Lặp lại bước 4 với mũi bên kia. Sau khi thực hiện xong cả 2 bên mũi, bạn cần đảm bảo rằng các dịch trong mũi đã được làm sạch kỹ lưỡng. Ngoài ra, các dụng cụ xịt mũi cũng cần được lau sạch và để ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)