Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, mưa nắng bật chợt là hàng loạt người lại bị chung các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ho kéo dài …. Đó là các triệu chứng cơ bản của bệnh đường hô hấp mà chủ yếu là viêm mũi họng, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó chủ yếu là do cơ địa và môi trường. Dưới đây là một số thông tin về bệnh và cách phòng ngừa bệnh khi thời tiết thay đổi.
Bệnh đường hô hấp dễ tái phát và khó kiểm soát
Có nhiều yếu tố gây nên bệnh đường hô hấp, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, khi thời tiết thay đổi đột ngột, những đợt chuyển mùa hay do hít phải bụi, hơi khói của bếp than, khói thuốc lá, lông súc vật, phấn hoa ….
Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh đường hô hấp dễ tiến triển thành một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn tới tử vong.
Khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, người bệnh cần được kiểm tra tại các cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm tránh các biến chứng và rút ngắn thời gian điều trị.
Dự phòng bằng cách nào?
Bệnh đường hô hấp diễn biến thường nặng và khó lường trước. Để dự phòng bệnh đường hô hấp về mùa đông cần phải đảm bảo cơ thể luôn được giữ ấm, mặc áo ấm, đi giầy tất, đội mũ quàng khăn. Phòng ngủ nơi kín gió, tránh bị gió lùa.
Vào mùa hè, chú ý ăn mặc những loại quần áo thông thoáng, tránh để mồ hôi ngấm lạnh vào người, không trực tiếp ngủ dưới quạt máy.
Hầu hết các bệnh đường hô hấp đều lây qua đường hô hấp, nên việc hạn chế tiếp xúc với những người đang bị bệnh cũng là một cách phòng ngừa bệnh.
Ngoài ra, tăng sức đề kháng cũng là một cách phòng ngừa bệnh, dưới đây là một số cách tăng sức đề kháng, phòng tránh bệnh tái phát:
- Súc miệng bằng nước muối loãng hàng ngày. Đây là một cách giúp diệt khuẩn, virus gây bệnh cú, viêm đường hô hấp và các bệnh răng miệng….
- Uống nước ấm. Uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy cũng là cách để cổ họng không bị khô rát.
- Không nên mở rộng ngay cửa sổ cửa phòng lúc sáng sớm. Vì lúc này gió sáng rất lạnh và vẫn còn độc, dễ bị ho, viêm họng.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh chứa nhiều vitamin A, C, chất khoáng. Uống nhiều nước mỗi ngày để bù nước. Đảm bảo vệ sinh thân thể và vệ sinh nơi sống hạn chế sự xuất hiện của các vi khuẩn gây bệnh.
- Hạn chế ra ngoài trời nắng gắt. Nếu buộc phải ra ngoài nên trang bị đủ để tránh nắng chiếu trực tiếp vào người.
- Không cho quạt quay trực tiếp vào người, vào mặt kể cả ban ngày lẫn ban đêm.
- Hạn chế uống nước đá, ăn kem nhiều vì dễ gây viêm họng.
- Hạn chế tiếp xúc chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
Đọc thêm:
Omron-yte.com.vn (Tổng hơp)