Đái tháo đường được coi là một căn bệnh nguy hiểm bởi diễn biến âm thầm và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, nguy cơ bị bệnh tim hoặc đột quỵ. Sau đây là một số đặc điểm dễ nhận biết của bệnh đái tháo đường, mời bạn đọc cùng quan tâm theo dõi.
Hay mệt mỏi, giảm cân không rõ lý do có thể là dấu hiệu sớm của đái tháo đường
5 dấu hiệu thường gặp của tiểu đường, đái tháo đường
1. Khát nước và đi tiểu thường xuyên. Khi lượng đường dư thừa tích tụ trong máu, theo áp lực, chất lỏng sẽ bị kéo ra từ các mô. Đây cùng chính là lý do bệnh nhân luôn cảm thấy khát nước. Bệnh nhân thường xuyên phải uống nước đồng thời cũng đi tiểu nhiều hơn bình thường. Triệu chứng này bị nhiều người bỏ qua vì nghĩ đây là dấu hiệu bình thường, để đến khi tình cờ trong một lần thăm khám mới biết mình bị bệnh.
2. Đói thường xuyên. Người bệnh đái tháo đường hay cảm thấy bị đói bởi nếu không có đủ insulin để vận chuyển đường vào các tế bào của cơ thể thì cơ bắp và các cơ quan trở nên cạn kiệt năng lượng. Cơ thể sẽ phản ứng lại với tình trạng này thông qua các cơn đói dữ dội.
3. Bị giảm cân. Mặc dù người bệnh đái tháo đường ăn nhiều hơn bình thường để làm giảm cơn đói nhưng trọng lượng cơ thể vẫn bị sút giảm. Đó là vì không có khả năng sử dụng glucose được cung cấp từ bên ngoài vào cơ thể nên cơ thể buộc phải sử dụng nhiên liệu thay thế được lưu trữ trong các cơ và chất béo. Chính vì thế, cơ thể người bệnh sẽ ngày càng sút cân và gầy đi.
4. Mệt mỏi. Cũng chính vì thiếu insulin, Gluocose không được vận chuyển vào trong tế bào dẫn đến đường huyết tăng đồng thời dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng tế bào khiến cho cơ thể lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi.
5. Thường xuyên mắc các bệnh lở loét, nhiễm trùng. Một đặc điểm rất riêng ở người bệnh đái tháo đường đó là sự suy giảm khả năng chữa lành và chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Nếu không may bị những vết thương hở thì những vết thương này rất khó lành lại hoặc đễ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân chính là do lượng đường trong máu luôn ở mức cao, đã tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Cụ thể có những bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh lý bàn chân, chân bị nhiễm trùng nhưng không thể chữa khỏi, cuối cùng bác sĩ phải chỉ định cắt đi phần chân bị nhiễm trùng.
Đái tháo đường rất nguy hiểm, nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh khi có những biến chứng xuất hiện. Lúc đó việc điều trị sẽ rất khó khăn. Tốt hơn hết, để kiểm soát bệnh chúng ta nên chủ động kiểm soát đường huyết trong máu bằng cách theo dõi đường huyết thường xuyên, kiểm soát cân nặng, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động tăng cường sức khỏe và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)