Khi thời tiết thay đổi, trẻ em là đối tượng rất dễ bị ngạt mũi, cảm lạnh. Ngạt mũi chỉ là những dấu hiệu ban đầu, chưa hẳn là ốm để dùng thuốc nhưng nó lại mang đến 1 sự khó chịu vô cùng, gây khó thở không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả đối với người lớn cũng vậy.
Người thường xuyên có triệu chứng ngạt mũi khó thở khi thay đổi thời tiết càng phải để ý giữ ấm khi chuyển mùa. Đôi khi cả mùa đông lạnh không có vấn đề gì, nhưng lúc chuyển mùa lại dễ bắt đầu từ ngạt mũi mà chuyển sang ốm thực sự.
Theo GS Hoàng Bảo Châu, nguyên viện trưởng Viện Y học cổ truyền TW, ngạt là do hàn, hàn khiến các mạch co lại. Người bị ngạt mũi thường chảy nước mũi, có phù nề và chính sự phù nề gây ngạt. Cách chữa trị là phải làm cho ấm lên. Biện pháp đơn giản là day, ấn huyệt nghinh hương (huyệt ở 2 bên cánh mũi). Ngoài ra có thể dùng dầu, cao sao vàng bôi ở chóp mũi để làm ấm đường thở, ngậm một lát gừng mỏng.
Người bị dị ứng thời tiết là do vệ khí kém, vì thế dễ ngạt mũi, khó thở dù chỉ gặp vài hạt mưa hay bị chút gió lạnh. Nếu không kèm theo sốt thì không cần dùng thuốc, đôi khi chỉ một cốc bạc hà nóng cũng có tác dụng tốt.
Với trẻ em, không được dùng cao sao vàng mà chỉ day ấn huyệt, giữ ấm cổ và chân, cho ăn đồ ấm nóng, hạn chế cho ra đường, giữ bé trong phòng kín gió. Ở người lớn, khi vừa bị lạnh, nhất là khi vừa đi mưa về, nên lau rửa người bằng nước ấm, ngâm chân tay vào nước ấm để làm nóng người.
Để hạn chế chứng ngạt mũi, theo GS Trần Hữu Tuân, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TW, nhất thiết phải giữ ấm chân và cổ, luôn mang dự phòng áo ấm vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, lúc nóng lúc lạnh. Khi có triệu chứng ngạt mũi, nên dùng nước muối sinh lý nhỏ để làm sạch đường thở.
Ở trẻ em, nếu có mũi nhày đặc, nên dùng ống nhựa nhỏ (có bán ở các cơ sở y tế, hiệu thuốc) để hút. Nếu trẻ ngạt mũi có kèm theo sốt, biếng ăn, quấy khóc thì mới nên đưa đến viện (điều này để tránh việc lây bệnh từ bệnh viện, bởi nhiều trẻ chỉ ngạt mũi thông thường, nhưng đưa đến viện lại mắc thêm bệnh lây nhiễm nào đó). Nếu ngạt mũi thông thường, nên tự xử lý tại nhà và không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào, trừ việc nhỏ nước muối sinh lý. Nếu trẻ ngạt mũi kèm theo có mùi hôi thối trong dịch mũi, cần nghĩ đến khả năng có dị vật đường thở, lúc này cần đưa đến bệnh viện gần nhất để soi và bác sĩ sẽ có cách xử lý thích hợp.
Theo các chuyên gia, ngạt mũi không phải là một bệnh, thường chỉ là triệu chứng phản ứng với thời tiết. Nhưng nếu không để tâm chú ý, ngạt mũi sẽ kéo dài gây mất ngủ, khó chịu. Trẻ ngạt mũi dễ quấy khóc, biếng ăn, sụt cân nếu ngạt mũi kéo dài. Khi ngạt mũi, trẻ buộc phải há miệng để thở, điều này dễ gây viêm phổi, cảm lạnh. Bắt đầu từ triệu chứng nhỏ, nếu quan tâm dập tắt bằng những cách đơn giản, thông thường thì sẽ hạn chế được sự tiến triển thành bệnh, tránh được việc dùng thuốc.
Một số trường hợp ngạt mũi là do có khối u. Do đó nếu triệu chứng ngạt mũi không phải bắt đầu bằng việc bị lạnh, sự khó thở tăng dần… thì cần nghĩ đến khả năng này và đi đến viện.