Thời tiết thay đổi thất thường từ nắng sang mưa khiến cho hệ hô hấp non yếu của trẻ nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn. Thở khò khè là một triệu chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Điều trị cho trẻ thở khò khè có nhiều phương pháp, dưới đây là một số phương pháp tự nhiên an toàn các mẹ có thể tham khảo.
Vệ sinh mũi cho trẻ
Nếu trẻ thở khò khè do ngạt mũi thì mẹ có thể bế bé ở tư thế hơi ngửa đầu, nhỏ 2-3 giọt nước mũi sinh lý loại 5ml đã được ngâm ấm hay xịt 1-2 lần loại nước muối sinh lý dạng xịt vào mỗi bên mũi của bé. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi mũi hút ra. Nếu không có dụng cụ hút mũi chuyên dụng, các mẹ có thể dùng miệng hút mũi cho bé.
Trường hợp trẻ ngạt mũi nhiều, khó chịu, quấy khóc, nước mũi xanh, mẹ có thể áp dụng phương pháp rửa mũi cho bé. Các mẹ có thể tự làm tại nhà. Để rửa mũi an toàn cho trẻ, mẹ cần thêm 1người hỗ trợ. Đặt bé ở tư thế nằm nghiêng, mặt hơi cúi, một người giữ nhẹ đầu và mông bé để bé không chống đối lại, đồng thời lót một khăn ở dưới má của trẻ.
Chuẩn bị nước muối sinh lý đã ngâm ấm và một hút mũi. Các mẹ nhỏ vào 1 bên mũi của trẻ khoảng 1/3 lọ nước muối sinh lý loại 5ml và nước muối sẽ tự chảy ra ngoài ở lỗ mũi bên đối diện (vì 2 mũi thông nhau). Bạn có thể hỗ trợ hút mũi cho bé để nước mũi đặc của bé ra dễ dàng hơn. Sau đó, bạn đặt bé nằm nghiêng theo chiều ngược lại và làm như vậy thêm một lần nữa.
Nên rửa mũi cho trẻ vào thời điểm sau khi trẻ mới ngủ dậy và trước khi đi ngủ để trẻ dễ thở và ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nếu trẻ ngạt mũi nhiều thì có thể áp dụng thêm 1 lần nữa vào buổi trưa.
Sau khi trẻ khỏi hẳn, nên duy trì việc nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 1- 2 lần/ngày, nhất là trong những ngày thay đổi thời tiết, những ngày mùa thu…; làm như vậy vừa có tác dụng vệ sinh mũi, vừa duy trì độ ẩm cho mũi của bé. Khi thời tiết giao mùa, các mẹ cần giữ ấm vùng cổ ngực cho bé, chú ý lau khô mồ hôi lưng, trán kịp thời. Bạn cũng có thể lót một khăn xô vào lưng của con, khi nào sờ thấy ẩm thì thay, như vậy sẽ rất tốt cho bé.
Với các trẻ đang bú mẹ thì trẻ cần được bú mẹ đầy đủ để tăng sức đề kháng, trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại các loại bệnh nhất là trong 6 tháng đầu.
Một số thảo dược an toàn cho trẻ
Các mẹ vẫn truyền tai nhau một số thảo dược an toàn mà hiệu quả đối với các trường hợp trẻ bị thở khò khè khi ngủ và có đờm trong cổ họng. Khi sử dụng các loại thảo dược này, các mẹ nên tham khảo thêm những người có kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao.
Lá hẹ. Hẹ là một vị thuốc đã được lưu truyền trong dân gian. Theo tài liệu cổ, hẹ có tác dụng bổ can thận, làm ấm lưng gối, dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, di mộng tinh, đặc biệt dùng lá hẹ để trị ho cho trẻ rất hiệu quả. Người ta tường cho lá hẹ và đường phèn vào bát, đem hấp cách thủy, sau đó chắt lấy nước co bé uống. Mỗi lần cho bé uống khoảng 2 – 3 thìa cà phê, uống 2 lần/ngày.
Quả quất. Quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và cá vitamin, có tác dụng chống viêm, long đờm, giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng virus. Dùng quất ngâm với một chút muối để ngậm hoặc uống, hấp cách thủy quất với đường phèn, mật ong tạo thành siro dễ uống rất tốt cho chữa ho.
Lá húng chanh. Trong lá húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể dùng chữa ho, trị viêm họng cho bé. Để chữa trị ho, viêm họng, người ta giã dập lá húng, sau đó trộn với 10 ml nước sôi, để cho ngấm rôi gạn lấy nước cho trẻ uống, ngày 2 lần. Hoặc các mẹ cũng có thể rửa sạch lá húng chanh và quất xanh, cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi thêm ít đường phèn, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống 1-2 lần/ ngày cho đến khi hết ho.
Hạt chanh. Đem hạt chanh giã nhuyễn, trộn với đường phèn và nước lọc, rồi đem hấp cách thủy. Hấp cho đến khi nước sôi hoặc cơm chín là dùng được. Dùng hỗn hợp đã hấp nóng này cho bé uống 1-2 thìa cafe/lần, ngày uống 4-6 lần, bé sẽ rất nhanh giảm ho và tiêu đờm, giúp giảm chứng khò khè.
Củ cải. Chuẩn bị 1 củ cải, 4 hạt hồ tiêu, 3 lát gừng tươi, 1 miếng vỏ quýt khô. Rửa sạch củ cải, thái miếng nhỏ, sắc cùng với 2 thứ kia để uống. Bài này dùng để chữa ho do lạnh, chảy dãi.
Rau diếp cá. Rau diếp cá rửa sạch, cho vào cối giã thật nhuyễn. Cho nước gạo cùng rau diếp cá vào đun sôi, rồi giảm lửa nhỏ. Sau đó, đun tiếp trong khoảng 20 – 30 phút, thỉnh thoảng đảo cho rau nhừ đều. Bắc ra, để nguội, lọc lấy nước cho bé uống. Có thể cho thêm chút đường vào để bé dễ uống. Một ngày, các mẹ cho bé uống từ 2 – 3 lần, uống sau bữa ăn khoảng một giờ đồng hồ. Không nên uống trước hoặc sau bữa sữa của bé.