Viêm mũi là bệnh hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 75 – 80% số trẻ độ tuổi này), đặc biệt khi có điều kiện thuận lợi như thay đổi thời tiết, trời đang nóng chuyển sang lạnh đột ngột…
Viêm mũi được chia làm hai loại chính là viêm mũi xuất tiết và viêm mũi do vi khuẩn (viêm mũi mủ). Viêm mũi có thể biểu hiện cấp hay mạn tính. Việc điều trị viêm mũi tùy thuộc vào thể viêm mũi mắc phải của trẻ cũng như giai đoạn bệnh.
Viêm mũi cấp xuất tiết
Nguyên nhân chính là do virut. Viêm mũi cấp cũng có thể gây thành dịch. Biểu hiện bằng sốt, hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi nên trẻ nhỏ khó bú. Những trường hợp này được xử trí theo phác đồ sau:
Toàn thân:
- Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nếu sốt trên 38,5oC (nhóm chứa paracetamol hiện vẫn được coi là nhóm hạ sốt an toàn nhất).
- Thuốc chống xuất tiết: Do virut được coi là một kháng nguyên tác động lên mũi gây viêm nên người ta dùng kháng histamin H1 (có tác dụng phong bế các thụ thể H1 ở ngoại biên, ức chế phóng thích histamin từ dưỡng bào), với các thế hệ khác nhau như chlorpheniramin maleat, loratidin, fexofenadin hydoclorid, desloratidin… Thuốc kháng histamin thường được dùng kéo dài 2 tuần mỗi đợt điều trị.
- Thuốc tăng cường chức năng miễn dịch hiện rất hay được sử dụng đi kèm là thuốc chứa thymomodulin, làm tăng cường miễn dịch do kích thích sự phát triển của tế bào Lympho T và Lympho B, đồng thời kích thích đại thực bào tấn công tác nhân gây bệnh, tăng hoạt động tổng hợp kháng thể từ tế bào B và hoạt hóa bạch cầu T làm tan rã các tác nhân gây bệnh ký sinh trong tế bào của cơ thể.
Tại chỗ:
- Thuốc chống xung huyết, giảm phù nề niêm mạc mũi: Thuốc thông dụng hiện nay là xylomethazolin 0,05%, thuốc dùng được cho cả trẻ sơ sinh. Ngoài ra còn có adrénaline 0,01%, ephedrine 0,1-0,3%…
- Thuốc làm săn khô niêm mạc mũi là nhóm muối bạc: argyrol. Thuốc này dễ bị phân huỷ bởi ánh sáng nên thuốc được bọc bởi một lớp giấy than chống ánh sáng và sử dụng mỗi lọ chỉ dưới 10 ngày.
Viêm mũi mạn tính
Thường là viêm mũi mủ hoặc viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn tính thường đi kèm với viêm xoang. Thuốc sử dụng với những viêm mũi mạn tính thường là:
Toàn thân:
- Kháng sinh: Có thể nuôi cấy dịch mũi làm kháng sinh đồ được coi là biện pháp tối ưu khi điều trị. Kháng sinh thường dùng trong viêm mũi mạn tính phải có phổ rộng để có thể diệt được cả vi khuẩn gram âm, gram dương và vi khuẩn kỵ khí nên hay dùng nhóm cepholosporin thế hệ III.
- Thuốc chống dị ứng: Nên dùng loại có chứa micocrystalline, cellulose… chỉ định cho trẻ trên 6 tháng.
Tại chỗ:
- Thuốc chống viêm có corticoid dạng nhỏ như polydexa, collydexa.. dùng dưới 7 ngày. Người ta cũng pha chế thuốc chữa mũi dạng phun sương có thể dùng kéo dài 2 năm. Tuy nhiên, phải theo dõi chặt chẽ và hiệu chỉnh liều theo sự tiến triển hoặc suy thoái của bệnh. Thuốc coricoid tại chỗ tuy chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp cũng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như không kích thích vỏ thượng thận tiết hormon làm teo vỏ thượng thận, gây hội chứng biến dưỡng do tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết… tình trạng quen thuốc do điều trị dở dang.
Thuốc corticoid dùng tại mũi với tính chất chống viêm tại chỗ ở các liều không có tác dụng toàn thân. Trẻ em từ 3-11 tuổi, sử dụng điều trị dự phòng bằng nasonex được khuyên dùng 2 – 4 tuần trước thời gian dự kiến sẽ xuất hiện viêm mũi.
Không được dùng khi có các tổn thương khu trú ở mũi vì tác dụng ức chế sự lành vết thương của corticoid. Đối với bệnh nhân vừa qua phẫu thuật mũi hay chấn thương mũi không được dùng corticoid đường mũi cho tới khi lành. Khi dùng kéo dài phải được kiểm tra định kỳ về các thay đổi có thể ở niêm mạc mũi. Nếu xuất hiện nhiễm nấm khu trú ở niêm mạc mũi họng cần ngưng điều trị. Kích ứng họng dai dẳng cũng là một chỉ định để ngưng thuốc.
Viêm mũi tuy không nguy hiểm nhưng lại rất hay gây biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ như giảm thị lực, viêm họng, ho kéo dài, viêm thanh – khí – phế quản… Chính vì thế cần chẩn đoán và điều trị viêm mũi sớm và triệt để.
Virut là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi.
ThS. BS. Phạm Thị Bích Đào