Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh đường hô hấp lây lan và phát triển. Đặc biệt là bệnh sốt virus càng gia tăng và lây lan rộng rãi. Tuy sốt virus lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến những biến chứng khôn lường như viêm màng não, động kinh,…
Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao,
trên 38oC, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều…
Sốt virus không nên tự điều trị
Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự điều trị ở nhà bằng kháng sinh khi sốt nên nhiều trường hợp nhập viện ngoài sốt còn bị tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh.
Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 38oC, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều, một số trường hợp xuất hiện kèm các nốt phát ban, có trẻ đến viện khi đã có biểu hiện của viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên. Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.
Các trường hợp gặp các triệu chứng trên nếu không phát hiện sớm để đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ sinh ra biến chứng nguy hiểm như động kinh, viêm màng não… Tuy nhiên, muốn có kết luận chắc chắn nguyên nhân có phải do sốt virus hay không, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm máu.
Cần tăng cường sức đề kháng
Theo khảo sát thống kê, số bệnh nhân bị sốt virus thường tăng khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là thời tiết có độ ẩm cao. Nhiều người sai lầm khi cho rằng sốt virus là phải sốt cao dai dẳng hàng tuần, thực tế có người chỉ biểu hiện hâm hấp sốt. Ngay cả những trường hợp vừa đỡ mấy ngày đã sốt lại cũng là bình thường, nếu sức đề kháng kém, cơ thể có thể tái nhiễm nhiều lần
Thông thường người mắc sốt virus sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị (chủ yếu uống thuốc hạ sốt nếu người bệnh sốt trên 38oC, cho người bệnh ăn những món dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng). Trường hợp không khỏi sau khoảng thời gian này, chắc chắn cơ thể đã bị bội nhiễm, cần làm các xét nghiệm sâu để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, vẫn còn phổ biến quan niệm sai lầm là truyền dịch sẽ hạ sốt nhanh. Ngày nào tại các bệnh viện, các bác sĩ cũng nhận được yêu cầu từ phía người nhà bệnh nhân được truyền dịch để… tăng lực. Truyền dịch vừa tốn kém, vừa tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, vừa không thể nhanh chóng hết sốt. Do đó, chỉ trường hợp thật sự cần thiết, các bác sĩ mới chỉ định truyền dịch để bù nước.
Cần tăng cường sức đề kháng, bù nước bằng dung dịch oresol, bổ sung vitamin từ hoa quả… cho trẻ em, người già. Khi sốt đang vào mùa cao điểm và sắp đến mùa thi của trẻ em, phụ huynh không nên cho trẻ đến chỗ đông người, hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ, giữ vệ sinh ăn uống. Khi trẻ bị sốt cần cách ly để tránh lây lan.