Hiện nay bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển do tình trạng ô nhiễm không khí dẫn đến sự xuất hiện các kháng nguyên lạ. Chữa trị bằng Đông y cũng là một phương pháp an toàn và hiệu quả mà bạn nên tham khảo qua bài viết sau.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm mũi dị ứng trong đông y được gọi là “tỵ cừu”. “Tỵ” có nghĩa là mũi, “cừu” có nghĩa là tắc, rỉ dịch, rỉ nước. Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh như sau:
Tác nhân bên ngoài
Khói bụi đường, phấn hoa, hương liệu có mùi nồng đậm… rất dễ kích thích bệnh viêm mũi dị ứng khởi phát. Một tràng hắt xì hơi không kiểm soát có thể xuất hiện nếu như bạn tiếp xúc với các tác nhân này.
Mỹ phẩm, các loại thuốc điều trị bệnh, thậm chí là một số món ăn khoái khẩu… cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nếu bạn bị dị ứng cơ địa với chúng. Lông của một số loài vật nuôi trong nhà như chó, mèo, hoặc những chiếc lông vũ trắng muốt tuyệt đẹp của một chú chim nào đó cũng có thể khiến bạn khổ sở nếu chẳng may đã “kết thân” với viêm mũi dị ứng.
Nguyên do từ bên trong
Lý do sâu xa của mọi căn bệnh thường đến từ sự rối loạn công năng hoạt động của các tạng phủ trong cơ thể. Đối với bệnh viêm mũi dị ứng, bạn sẽ cần phải điều chỉnh và tăng cường chức năng của tỳ, phế và thận, vì sự suy yếu của chúng chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh của bạn.
Biểu hiện lâm sàng của viêm mũi dị ứng
- Ngứa mũi, có thể kèm theo ngứa mắt
- Ngứa tai, ngứa vòm họng
- Nhảy mũi, hắt hơi, chảy nước mũi
- Nghẹt mũi, có thể kèm với nhức đầu
- Mệt mỏi, uể oải và khó chịu
Phương pháp điều trị dùng thuốc trong đông y
Về nguyên tắc điều trị thì phải đảm bảo kháng viêm, kháng khuẩn, chống phù nề và giảm đau. Thầy thuốc sẽ xem xét dựa trên các triệu chứng cụ thể mà phân thành các thể bệnh khác nhau để có cách điều trị thích hợp nhất. Chúng ta hãy tìm hiểu cách chữa trị viêm mũi dị ứng qua một số bài thuốc Đông y sau.
Bài 1
Nguyên liệu: Kim ngân hoa 12-16g, ké đầu ngựa 12g, bồ công anh 12g, lá dâu tằm 8-10g, rau diếp cá 10-12g, cúc tần 8-10g, mã đề 8-10g, cam thảo nam 8-10g, bạc hà 6-8g, kinh giới 8-10g.
Cách dùng: Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Để nguội rồi uống thuốc.
Bài 2
Nguyên liệu: Kim ngân hoa 20g, bè cái tía 20g, tân di hoa 10g, ké đầu ngựa 10g
Cách dùng: Tất cả sắc với nước uống.
Bài 3
Nguyên liệu: Thương nhĩ tử, bạch chỉ đều 12g, tân di hoa 12 g, bạc hà 6g
Cách dùng: Với bài thuốc này thì có thể sử dụng dưới hai dạng. Dạng thứ nhất là sử dụng tại chỗ. Tất cả 4 vị trên rửa sạch, phơi khô, tán nhuyễn, sau mỗi buổi trưa hoặc tối trước khi đi ngủ thì có thể dùng bông gòn y tế chấm vào bột thuốc và đặt lên trên mũi. Đối với trường hợp sắc uống thì mỗi ngày sắc 1 thang.
Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy khi có dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng người bệnh nên đến gặp các thầy thuốc để được chẩn đoán, bắt mạch, kê đơn và điều trị một cách hợp lý nhất.
Theo Omron-yte.com.vn