Khói bụi, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết… là những tác nhân dễ khiến các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng hạt tăng mạnh. Dấu hiệu nào để nhận biết và phòng tránh căn bệnh này ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây.
Viêm họng hạt là gì?
Đây là một thể bệnh của viêm họng mãn tính. Do tình trạng viêm nhiễm kéo dài mà không được điều trị dứt điểm, các tổ chức lympho ở thành sau của họng trở nên phát triển quá độ và tạo thành các hạt. Phạm vi của bệnh có thể khu trú thành các đảo lympho lớn hoặc lan tỏa khắp họng, kích thích cảm giác vướng, ngứa họng kèm theo phản xạ khạc nhổ và ho.
Các dấu hiệu nhận biết
Viêm họng hạt có một số triệu chứng rõ rệt, có thể được phát hiện thông qua thăm khám và cảm thụ của bệnh nhân.Bệnh nhân có thể ho húng hắng hoặc ho từng cơn. Vì có những hạt trong cổ họng nên cảm giác thường trực của người bệnh là nuốt vướng và đau đớn.
Bên cạnh đó những triệu chứng này thường thể hiện rất rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc trước khi đi ngủ. Bệnh nhân bị viêm họng hạt cũng thường cố gắng ho khạc để làm long đờm. Cảm giác cay, nóng trong họng, rất hay buồn nôn và có thể bị khàn tiếng cũng là những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất.
Còn khi được thăm khám, tình trạng chung đối với đa số người bị viêm họng hạt đó là hình ảnh niêm mạc họng tấy đỏ, ướt, có những hạt ở thành sau họng. Màn hầu và lưỡi gà dày, eo họng hẹp lại. Bên cạnh đó cũng có sự tăng tiết dịch nhầy dọc theo vách họng.
Tuy nhiên, theo thời gian giai đoạn viêm sẽ nhường chỗ cho thể teo. Các tuyến nhầy và nang tổ chức tân xơ hóa, cuối cùng các hạt sẽ biến mất. Màn hầu và lưỡi gà mỏng đi, eo họng trở nên rộng, ít tiết chất nhầy và bị khô. Niêm mạc họng nhẵn, mỏng và có những mạch máu nhỏ.
Các biến thể khác nhau của viêm họng hạt
Ở dạng thứ nhất, viêm họng hạt không gây ho, mà chỉ có cảm giác ngứa, vướng và nóng rát trong họng. Chất dịch nhầy đặc dính như một lớp keo, lúc đầu trong suốt còn về sau chuyển sang dạng đục.
Trái lại, với dạng thứ hai, bệnh nhân bị viêm họng hạt không cảm thấy vướng họng, ít có đờm nhưng lại ho cách quãng và tức ngực. Tuy nhiên nếu không được điều trị dứt điểm, để bệnh đến giai đoạn có đờm thì đã nặng.
Một dạng khác nữa của viêm họng hạt đó là không gây nóng rát vòm họng, thường có cảm giác vướng họng và rất ít ho. Nhưng nếu ho thì thường có máu, vì vậy cũng có tên gọi khác là viêm họng xuất huyết.
Cuối cùng là thể viêm họng hạt thường “sánh đôi” với cảm cúm. Do đó nếu bệnh nhân bị bệnh ở thể này thường phải chịu đựng các triệu chứng như: sổ mũi, sốt, thân nhiệt tăng cao, ho có nhiều đờm đặc. Nếu bệnh không được chữa khỏi, để đến giai đoạn nặng sẽ có hiện tượng ho ra những hạt dịch keo rất dai và mùi hôi.
Cách thức phòng tránh
Tất cả các thể nói trên của viêm họng hạt đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên với những căn bệnh mãn tính thì nguyên tắc số một vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bạn nên tham khảo và áp dụng một số cách phòng tránh như: giữ ấm cơ thể, tránh bị nóng lạnh đột ngột, phát hiện và điều trị sớm các bệnh mũi xoang… Bên cạnh đó người bệnh bị viêm họng hạt cũng nên tránh ăn thức ăn lạnh, nhiều dầu mỡ và uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.