Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp ở nước ta, nhất là thời điểm giao mùa. Bệnh gây các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy làm thế nào để cải thiện và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Bạn đọc hãy tìm hiểu cùng chúng tôi qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm và kích thích do các tác nhân dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông động vật, khói thuốc, hóa chất,… Theo Học viện dị ứng, hen suyễn và miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10 – 30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.
Bệnh viêm mũi dị ứng thường được chia thành các thể là:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể bệnh có chu kỳ): còn được gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, xảy ra vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, thường là thời điểm giao mùa hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể bệnh không có chu kỳ): là tình trạng mũi bị viêm và kích ứng khi gặp phải các yếu tố dị ứng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến hiện nay, nhất là khi biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên tồi tệ hơn, gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng này kết hợp với cơ địa nhạy cảm và việc tiếp xúc với tác nhân dị ứng (dị nguyên) là nguyên nhân gây nên bệnh viêm mũi dị ứng.
Khi tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể giải phóng ra chất trung gian hóa học có tên là Histamin để chống lại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chất này lại chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Một số nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp là:
- Tác nhân dị ứng ở trong nhà: bụi bẩn, lông thú cưng, lông vải quần áo, nước hoa, xà phòng, hóa chất giặt rửa, nấm mốc,…
- Yếu tố dị ứng trong không khí: phấn hoa, khói bụi, không khí lạnh, khói thuốc,…
- Yếu tố dị ứng qua đường tiêu hóa: hải sản, trứng, sữa,…
- Yếu tố dị ứng liên quan đến nghề nghiệp: hóa chất, khói bụi ô nhiễm trong các nhà máy, bụi phấn ở trường học, bụi gỗ trong xưởng mộc,…
Triệu chứng điển hình khi bị viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ xảy ra chủ yếu vào đầu mùa lạnh hoặc mùa có khí hậu nóng ẩm, tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Khi bị bệnh, người bệnh thường có biểu hiện triệu chứng như thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục; cay mắt, đỏ mắt và chảy nhiều nước mắt; dịch nước mũi nhiều và trong như nước lã; thường xuyên có cảm giác ngứa ở vùng vòm họng; hắt hơi nhiều hơn vào lúc sáng sớm và giảm dần vào buổi tối,… Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn có thể kèm theo khóc nhiều do khó chịu, chán ăn và khó ngủ do nghẹt mũi.
Đối với bệnh viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ, các triệu chứng tương tự như thể bệnh có chu kỳ nhưng khác biệt ở chỗ bệnh không phụ thuộc vào thời tiết và không xuất hiện theo mùa. Tình trạng viêm mũi không xảy ra đột ngột mà thường chỉ có dấu hiệu hắt hơi, nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn mỗi khi tiếp xúc với dị nguyên.
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng thường kéo dài vài ngày đến vài tuần rồi tự khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài quá lâu và không được điều trị thì có khả năng cao chuyển sang giai đoạn mãn tính và dễ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm xoang hoặc Polyp mũi, gây khó khăn cho việc điều trị.
Phân biệt viêm mũi thông thường với viêm mũi dị ứng
Để phân biệt viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường (viêm mũi không do dị ứng), người ta thường dựa vào đặc điểm như sau:
☛ Viêm mũi dị ứng: thường xuất hiện ở những người có tiền sử dị ứng với thức ăn, thuốc, lông động vật,… Cơ chế gây bệnh là do phản ứng quá mức của cơ thể đối với dị nguyên, làm giải phóng lượng lớn Histamin và gây nên các phản ứng quá mẫn.
Nguyên nhân gây bệnh là các tác nhân dị ứng bên ngoài môi trường hay do cơ địa dị ứng của từng người. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện nhanh và đột ngột với các dấu hiệu điển hình như sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa ngáy và chảy nhiều dịch trong ở 2 bên mũi.
☛ Viêm mũi thông thường thường xuất hiện ở bệnh nhân có tiền sử viêm mũi do nhiễm khuẩn và bị lây bệnh qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn,…) hoặc không do nhiễm khuẩn (khi xảy ra sự mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm).
Khi bị bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi, rã rời toàn thân kèm theo sốt và ớn lạnh. Các triệu chứng khác của bệnh thường không xuất hiện đột ngột như bệnh viêm mũi dị ứng: hắt hơi ít hơn nhưng lại nghẹt mũi nhiều hơn, dịch nước mũi thường có dạng dịch nhầy hoặc dịch mủ.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh
Nếu như chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì bạn nên hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên bằng các biện pháp dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng, tránh ẩm mốc.
- Không nên nuôi chó mèo trong nhà; diệt chuột, gián và các loại côn trùng khác thường xuyên.
- Thay chăn ga, gối đệm định kỳ để hạn chế sự phát triển của các loại nấm mốc và ký sinh trùng.
- Không nên sử dụng các đồ nhồi bông, thảm và nệm ghế vì đây là những nơi rất dễ tích trữ bụi bẩn.
- Hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, môi trường ô nhiễm, khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang.
- Hạn chế sử dụng hoa tươi trong nhà nếu bạn có tiền sử dị ứng với phấn hoa.
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, lành mạnh và không khói thuốc.
- Không ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, sữa, trứng,…
- Vệ sinh mũi sạch sẽ bằng nước muối sinh lý sau khi đi ra ngoài trời.
Một số mẹo dân gian chữa viêm mũi hiệu quả
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết cách dùng các bài thuốc dân gian có tác dụng khu phong, trừ hàn, giúp thông mũi và cải thiện bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả. Tùy từng triệu chứng khác nhau mà có bài thuốc tương ứng như sau:
☛ Bài thuốc 1: đối với trường hợp bệnh nhân bị chảy nước mũi trong, hắt hơi và nghẹt mũi nhiều, tăng lên khi thay đổi thời tiết thì sử dụng bài thuốc dân gian sau:
Chuẩn bị: thịt bò 100g; tỏi tươi 60g; gạo tẻ 60g; rau thơm và gia vị vừa đủ tùy khẩu vị.
Thực hiện:
- Rửa sạch toàn bộ nguyên liệu; thịt bò thái miếng; rau thơm thái nhỏ; tỏi bóc vỏ đập dập.
- Gạo tẻ cho vào nồi cùng lượng nước vừa đủ nấu thành cháo. Cho tiếp thịt bò và tỏi đun sôi 1 lúc là được.
- Thêm rau thơm và gia vị tùy khẩu vị.
- Đổ ra bát và ăn nóng ngay trong ngày.
☛ Bài thuốc 2: trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi kèm đau đầu, đau cổ vai gáy thì áp dụng bài thuốc dưới đây:
Nguyên liệu: đầu cá chép (2 cái); các vị thuốc Tân di 12g, Bạch chỉ 12g, Sinh khương 15g, Tế tân 3g.
Thực hiện:
- Rửa sạch đầu cá chép, bỏ mang cá đi; cho Tân di vào túi vải; rửa sạch Tế tân và Bạch chỉ; Sinh khương đem thái chỉ.
- Cho tất cả nguyên liệu vào nồi với lượng nước vừa đủ và ninh kỹ trong vòng 2 giờ.
- Thêm gia vị vừa đủ và dùng luôn như một món canh trong bữa cơm.
☛ Bài thuốc 3: đối với bệnh nhân bị nghẹt mũi, khô mũi, hắt hơi và chảy nước mũi nhiều kèm theo tình trạng miệng khô, hay khát nước, người gầy và thường nóng sốt vào buổi chiều tối thì nên dùng bài thuốc:
Nguyên liệu: ếch 2 con (khoảng 150g) và các vị thuốc Bắc: Tây dương sâm 15g, Bách bộ 30g, Ma hoàng 3g.
Thực hiện:
- Ếch làm sạch, bỏ nội tạng; các vị thuốc rửa sạch bằng nước.
- Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, hầm kỹ trong vòng 2 giờ.
- Thêm gia vị và chia nhỏ thành nhiều lần dùng trong ngày.
Sử dụng các loại thuốc Tây y
Bác sĩ chuyên môn sẽ căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân để kê đơn thuốc điều trị. Các thuốc dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng chủ yếu là thuốc làm giảm triệu chứng nên chỉ có công dụng khống chế bệnh trong một khoảng thời gian. Dưới đây là các thuốc Tây y thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng là:
☛ Thuốc kháng Histamin
Thuốc kháng Histamin hoạt động dựa trên cơ chế gắn vào thụ thể H2 và làm cơ thể giảm sản xuất Histamin – chất hóa học gây ra các phản ứng dị ứng. Một số loại thuốc kháng Histamin không kê đơn (OTC) thường được sử dụng là: Fexofenadine, Loratadine, Desloratadine, Diphenhydramin,…
Thuốc kháng Histamin thế hệ 2 thường được dùng để điều trị triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng ở giai đoạn nhẹ. Trong đó, thuốc Cetirizine có thể dùng được cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Hai thuốc Loratadin và Fexofenadine được chấp thuận dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thuốc Azelastine (một loại thuốc kháng Histamin dạng xịt) có thể sử dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, còn thuốc dạng xịt Olopatadine chỉ được sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên vì độ an toàn chưa được đảm bảo trên trẻ nhỏ.
☛ Thuốc chống nghẹt mũi
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống nghẹt mũi trong thời gian ngắn (không quá 3 ngày) để làm giảm tình trạng nghẹt mũi và giảm áp lực xoang. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kéo dài, các triệu chứng của bệnh không những không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn. Một số loại thuốc chống nghẹt mũi không kê đơn OTC thường được sử dụng là Oxymetazoline, Pseudoephedrine, Phenylephrine, Cetirizine kết hợp với Pseudoephedrine,…
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe khác như nhịp tim bất thường, bệnh tim, tiền sử đột quỵ, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, huyết áp cao, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc.
☛ Thuốc chống dị ứng Glucocorticoid
Thuốc chống dị ứng Glucocorticoid dạng xịt thường đem lại hiệu quả hơn so với thuốc kháng Histamin. Thuốc được chỉ định cho các trường hợp thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Người bệnh nên sử dụng thuốc từ 2 ngày trước, tiếp tục dùng trong thời gian tiếp xúc và sau 2 ngày sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Các thuốc được FDA phê duyệt dùng được cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên là Triamcinolone acetonide, Fluticasone Furoate, Mometasone Furoate.
Liệu pháp miễn dịch
Biện pháp này thường được áp dụng nếu như biết chính xác tác nhân gây dị ứng. Bác sĩ sẽ đưa một lượng dị nguyên với số lượng tăng dần vào cơ thể người bệnh (cơ chế tương tự như việc tiêm Vac – xin) để tạo kháng thể bao vây, làm thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với các yếu tố gây dị ứng.
Một liệu pháp miễn dịch thường có 2 giai đoạn: trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tiêm 1 – 3 lần/tuần trong khoảng từ 3 – 6 tháng. Tiếp theo là giai đoạn duy trì, người bệnh sẽ được tiêm 2 – 4 tuần/lần trong suốt 3 – 5 năm. Sau hơn 1 năm thực hiện liệu pháp, các triệu chứng dị ứng sẽ giảm dần và có thể biến mất hoàn toàn.
Điều trị phẫu thuật
Đối với trường hợp bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thoái hóa cuốn mũi, polyp hoặc một số yếu tố giải phẫu thuận lợi cho bệnh như lệch vách ngăn, gai vách ngăn, phẫu thuật can thiệp có thể được chỉ định để loại bỏ các yếu tố này.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng
☛ Bảo vệ mũi khỏi tác nhân dị ứng: trong không khí luôn có rất nhiều tác nhân xấu, gây kích ứng niêm mạc như bụi bẩn, phấn hoa, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá,… Bạn nên hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính mỗi khi đi ra ngoài hoặc khi phải làm việc trong môi trường độc hại.
☛ Vệ sinh tai – mũi – họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý: đường hô hấp trên luôn là vị trí thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Vì vậy, bạn cần vệ sinh vùng tai – mũi – họng hàng ngày bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần/ngày; dùng nước muối sinh lý để súc họng và vệ sinh mũi, tai mỗi ngày.
☛ Bổ sung nước đầy đủ: Nước có công dụng làm loãng chất nhầy, giúp dịch tiết ở mũi lỏng hơn và thoát ra ngoài dễ dàng hơn, tránh ứ đọng lâu trong mũi và gây viêm nhiễm.
☛ Giữ ấm cơ thể: vào mùa lạnh, bạn nên chú ý giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi bằng cách mặc đủ ấm, quàng khăn ở cổ, chân đi tất,… Hạn chế tắm nước lạnh và thức khuya, dậy sớm vì đây là khoảng thời gian dễ bị cảm lạnh và khiến bệnh viêm mũi dị ứng trở nặng hơn.
☛ Tránh hít phải luồng không khí khô, lạnh thường xuyên: vì không khí khô, lạnh có thể khiến niêm mạc mũi bị khô rát và tổn thương. Bạn có thể làm ấm vùng mũi vào buổi sáng bằng cách thực hiện động tác dùng 2 bàn tay chụp lại 2 bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa đều và hít ra thở vào đều đặn, duy trì động tác chừng vài phút.
Viêm mũi dị ứng là căn bệnh phổ biến, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị, cách ly dị nguyên và phối hợp sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Như vậy, bệnh mới có thể được cải thiện một cách nhanh nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/allergic-rhinitis
- https://suckhoedoisong.vn/doi-pho-viem-mui-di-ung-hieu-qua-169188908.htm
- https://suckhoedoisong.vn/troi-lanh-viem-mui-di-ung-de-tai-phat-169151141.htm
- https://suckhoedoisong.vn/chuyen-mua-can-phong-ngua-viem-mui-di-ung-169167767.htm
- https://suckhoedoisong.vn/viem-mui-di-ung-nguyen-nhan-dieu-tri-cach-phan-biet-va-phong-tranh-16921102622175263.htm