Ghi nhận tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy số ca sốt xuất huyết ở người lớn liên tục gia tăng.

Ngày 12-9, tại khoa Nhiễm D, Nhiễm C và Nội B (BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM) tất cả các giường đều không còn chỗ trống do bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng. Tại khoa Nhiễm D-C, nhiều người lớn bị sốt xuất huyết phải nằm ra hành lang, do mỗi khoa chỉ có 50 giường nhưng phải tiếp nhận gần 100 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Thảo – Trưởng khoa Cấp cứu người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, những ngày gần đây, số bệnh nhân cấp cứu do sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng bất thường. Từ đầu năm đến nay, nơi đây có hơn 4.000 ca nhập viện vì sốt xuất huyết trong đó 50% số ca nặng.
Theo các bác sĩ, nếu năm 2007, bệnh viện ghi nhận có 2.546 ca sốt xuất huyết người lớn thì đến năm 2008 là 6.817 ca; năm 2009 hơn 9.000 ca được điều trị tại đây. “Không chỉ đến mùa dịch hay mùa mưa mà giờ đây số ca sốt xuất huyết người lớn nhập viện điều trị gần như quanh năm. Tỷ lệ biến chứng ở sốt xuất huyết người lớn cũng cao hơn trẻ em” – bác sĩ Thảo cho biết.
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho thấy, những năm 1997, 1998 tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết chỉ chiếm dưới 16% tổng số ca mắc sốt xuất huyết của thành phố. Tuy nhiên, liên tục trong các năm từ 2000 đến nay, số ca sốt xuất huyết ở người lớn tăng rất nhanh.
Theo các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tỷ lệ xuất huyết nặng ở người lớn là 50% trong khi với trẻ em chỉ 6,2%; thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo 52,8%, trong khi trẻ em 0%… Điều này cho thấy biểu hiện lâm sàng của xuất huyết ở người lớn thường nặng hơn so với trẻ em.
Từng nhiều năm nghiên cứu về sốt xuất huyết ở người lớn, TS Trần Tịnh Hiền- nguyên Phó GĐ BV Bệnh nhiệt đới, cho rằng sự gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết lớn tuổi có thể do nhiều nguyên nhân như môi trường, mật độ dân cư ngày càng đông, tập trung ở các thành phố lớn; các chủng virus gây bệnh có sự biến đổi độc tính…
Theo bác sĩ Thảo, người lớn khi bị sốt xuất huyết có dấu hiệu bệnh khác trẻ em như tỉ lệ có sốt cao chiếm gần như 100% kèm lạnh run, nhức đầu ở thời điểm nhập viện và thời gian sốt kéo dài từ 7 ngày trở lên. Theo TS Trần Tịnh Hiền, đa số người lớn mắc sốt xuất huyết thường nghĩ mình chỉ bị cảm sốt, hay sốt siêu vi vì cho rằng sốt xuất huyết ít tấn công người lớn nên rất chủ quan.
Bác sĩ Hiền cho biết, sốt xuất huyết người lớn có nhiều biến chứng khó lường như khoảng 3% có xuất hiện vàng da với men gan tăng gấp ba trị số bình thường, kèm theo vàng da, xuất huyết nhiều nơi, hạ đường huyết…Một số trường hợp có biến chứng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, cần truyền máu khẩn cấp với số lượng 20-30 đơn vị trong 24 giờ. Biến chứng xuất huyết tiêu hóa có thể liên quan các cơ địa có bệnh dạ dày và rối loạn đông máu.
Lê Nguyễn