Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu đều là những căn bệnh phổ biến toàn cầu, nhất là ở lứa tuổi trưởng thành. Chúng “đồng hành” với nhau có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, xơ vữa động mạch,…
Mục lục
Rối loạn mỡ máu là gì?
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng có 29% người trưởng thành Việt Nam bị mỡ máu tăng cao, tức là cứ gần 3 người thì có 1 người bị mỡ máu cao.
Mỡ máu là một khái niệm khá phổ biến. Mỡ máu( danh từ y học còn gọi là rối loạn lipid máu) có các đặc trưng về thành phần lipid máu chủ yếu là cholesterol máu, triglyceride máu và các lipoprotein ( bao gồm các phân tử LDL, HDL cholesterol).
Thực chất, trong máu bất kỳ ai cũng có mỡ, rối loạn mỡ máu xảy ra khi rối loạn một trong số bốn thành phần nói trên. Trường hợp hay gặp đó là tăng cholesterol máu, tăng triglyceride máu hoặc có một thể mà trong thời gian gần đây cũng được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo chú ý đó là tăng một thành phần cholesterol lipoprotein LDL cholesterol( mỡ xấu) và giảm HDL cholesterol( mỡ tốt).
Tăng huyết áp là gì?
Bên cạnh rối loạn mỡ máu thì bệnh tăng huyết áp cũng là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại. Theo như WHO, có tới 1,8 tỉ người bị tăng huyết áp trên toàn cầu, đặc biệt tình trạng bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều người mắc bệnh mà không hề biết.
Tăng huyết áp được ví như ” kẻ giết người thầm lặng”. Tăng huyết áp ở Việt Nam cũng có xu hướng trẻ hóa, theo số liệu của Viện Tim mạch, năm 2008 khoảng 25% số người trưởng thành( 25 tuổi trở lên), tức là cứ 4 người thì 1 người tăng huyết áp.
Huyết áp được xác định bằng lượng máu bơm vào tim và sự đáp ứng lưu lượng máu đó trong động mạch. Càng nhiều máu bơm tim và động mạch hẹp lại, huyết áp càng cao.
Các cơ quan trong cơ thể cần oxy để tồn tại, oxy được vận chuyển tới các cơ quan thông qua máu. Khi tim đập, nó tạo ra áp lực đẩy máu qua một mạng lưới các động mạch và tĩnh mạch hình ống (còn được gọi là các mạch máu và mao mạch).
Áp lực máu (huyết áp) là kết quả của hai lực. Lực thứ nhất xảy ra khi máu bơm ra khỏi tim và vào các động mạch (đây là một phần của hệ thống tuần hoàn). Lực thứ hai được tạo ra khi tim nghỉ giữa các nhịp đập nó. Hai lực lượng này được đại diện bởi các con số trong đo huyết áp.
➤ Tìm hiểu: Cách nhận biết bệnh tăng huyết áp
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu
Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra giữa tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu có sự liên quan.
Rối loạn lipid máu, nhất là ở thể tăng mỡ LDL cholesterol làm cho mạch máu xơ cứng hay còn gọi là xơ vữa động mạch. Thành mạch cứng hơn, lòng mạch hẹp lại làm cho sức cản của mạch hệ thống cao lên, kéo chỉ số huyết áp cao lên.
Lưu ý: Khi nhận thấy bất kỳ điều gì khác thường cần nên kiểm tra huyết áp. Ví dụ như: làm việc một lúc thấy nặng đầu, nặng ở vùng gáy, thị lực suy giảm, tim đập nhanh hơn bình thường, hay hồi hộp, … – những dấu hiệu không điển hình, không quy về một bệnh lý cụ thể nào. Cơ thể đang mách bảo rằng bạn đang có những bất thường, có thể liên quan đến những huyết động và cũng là nguy cơ gây tăng huyết áp.
Phần lớn người bệnh rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp thường không nhận ra được các triệu chứng bên ngoài của bệnh. Bởi vậy mà khi chúng cùng nhau xuất hiện lâu dài dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, suy tim, tai biến mạch máu não,… Cụ thể:
Mỡ máu và cao huyết áp là kẻ thù số một của tim mạch
Rối loạn mỡ máu làm gia tăng hình thành mảng xơ ở thành mạch máu, cùng với huyết áp tăng cao làm gia tăng áp lực lên tim, gây suy tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim, thậm chí nặng hơn có thể đe dọa tới tính mạng.
Tăng huyết áp bị mỡ máu – nguy cơ gây đột quỵ não
Rối loạn chuyển hóa lipid máu cùng với tăng huyết áp khiến cho lưu lượng tuần hoàn máu đến não gặp khó khăn, gây thiếu máu não. Bệnh tiến triển nặng hơn có thể làm tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn dẫn đến đột quỵ( tai biến mạch máu não).
Mỡ máu – cao huyết áp làm tăng nguy cơ tiểu đường
Rối loạn lipid máu làm rối loạn chức năng tế bào tụy, suy giảm bài tiết insulin làm tăng lượng đường huyết. Mà bệnh tiểu đường có quan hệ mật thiết với tăng huyết áp. Bởi vậy mà rối loạn mỡ máu trên bệnh nhân tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm cho biến chứng của bệnh tiểu đường xuất hiện sớm.
Phòng ngừa rối loạn mỡ máu cho người tăng huyết áp
Lối sống lành mạnh có ý nghĩa tích cực trong việc duy trì cơ thể khỏe mạnh, bên cạnh đó còn tác động hiệu quả đến tình trạng rối loạn mỡ trong máu trên người bệnh tăng huyết áp (THA) . Hãy lưu ý những điều dưới đây:
- Tăng cường vận động: Hãy cố gắng dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày tham gia các hoạt động thể chất. Đối với những người rất bận rộn cũng hãy dành ra khoảng 10 phút mỗi ngày để hoạt động nhẹ nhàng, giúp cho dòng máu lưu chuyển tốt hơn, hạn chế căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
- Chế độ ăn có lợi cho tim. Tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc. Hạn chế chất béo bão hòa, được tìm thấy trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo và chất béo chuyển hóa, được tìm thấy trong nhiều thực phẩm chế biến.
- Bổ sung các loại thảo dược giúp hỗ trợ giảm mỡ máu: hoa bụp giấm, xạ đen, giảo cổ lam có tác dụng đào thải chất béo dư thừa trong cơ thể, hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu rất tốt. Bạn có thể chế biến chúng thành các loại trà thảo dược để uống hàng ngày.
- Tránh đường và carbohydrate tinh chế: Chúng thường có trong các thực phẩm như gạo trắng, kẹo ngọt, bánh quy, nước trái cây đóng chai, kem, … Thay thế chúng bằng các thực phẩm từ carb toàn phần như rau củ, trái cây tươi, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám,…
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Nếu bạn đang có cân nặng dư thừa, hãy giảm bớt chúng một cách an toàn. Chúng cũng có ích cho việc giảm thiểu lượng mỡ máu và được nghiên cứu là có tác động giảm huyết áp.
- Bổ sung chất béo tốt: Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe bao gồm cá chứa axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi, các loại hạt như hạt dẻ, óc chó, bơ… Tránh chất béo chuyển hóa, thực phẩm có dầu hoặc chất béo hydro hóa.
- Giảm lượng muối: Lượng tiêu thụ muối theo thói quen của mọi người có tỉ lệ hơn 2 lần so với khuyến cáo của thế giới. Nồng độ natri cao vượt ngưỡng cho phép có thể khiến việc chuyển hóa lipid máu gặp khó khăn. WHO khuyến nghị giảm lượng muối tiêu thụ xuống dưới 5g/ngày có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp và hạn chế các bệnh liên quan.
- Hạn chế tiêu thụ rượu/cai rượu: Tiêu thụ rượu bia quá mức có thể gây ra tình trạng huyết áp cao, tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu mới nhất chỉ ra dù uống rượu bia ở bất cứ liều lượng nào cũng ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe- tức là không có ngưỡng an toàn đối với việc sử dụng rượu bia. Thay thế rượu bằng các loại thức uống giúp giảm mỡ máu và bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn, ví dụ như nước lọc, trà hoa bụp giấm, nước cam…
- Hạn chế ăn uống sau 8 giờ tối: Thời điểm tốt nhất dành cho người bệnh là nên ăn vào khoảng 6 giờ 30 – 7 giờ tối. Sau thời điểm này thức ăn được đưa vào cơ thể khó hấp thu hơn,thời gian tiếp theo phần lớn là ngủ, nên không tiêu tốn nhiều năng lượng. Lượng mỡ thừa dễ đọng lại tại thành mạch khiến việc lưu thông máu khó khăn.
- Không nên thức khuya: Nghiên cứu chỉ ra người thức khuya thường dễ mệt mỏi vì thiếu ngủ, dễ tăng cân và có mức chỉ số mỡ máu cao hơn những người ngủ đúng và đủ giấc. Thường xuyên thức khuya còn ảnh hưởng đến nội tiết khiến tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tăng triglyceride kèm theo tích tụ chất béo ở thành bụng và cơ mông( gây béo phì).
- Giảm căng thẳng, áp lực: Lối sống tích cực, thoải mái được khuyến cáo, nhất là đối với những người có tiền sử cao huyết áp. Chúng giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, từ đó giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu và hạ huyết áp cao.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nồng độ cholesterol có hại(LDL) và giảm nồng độ cholesterol có lợi(HDL), gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Nếu bạn hút thuốc càng nhiều, lượng mỡ đào thải sẽ càng kém, mỡ thừa sẽ tích tụ trong máu, nhất là mạch máu ở tim, mạch não, tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Tạo thói quen đo huyết áp thường xuyên: Theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp định kỳ giúp bạn giảm thiểu được các rủi ro từ các nguy cơ bệnh lý liên quan đến huyết áp gây ra.
Kiên trì thực hiện các thói quen lành mạnh nêu trên, việc kiểm soát mỡ máu ở mức độ an toàn là hoàn toàn có thể cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Theo Omron Healthcare