5% dân cư Hà Nội bị viêm mũi dị ứng (VMDƯ). Độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là dưới 15 tuổi, càng lớn tuổi, khả năng miễn dịch với bệnh càng cao hơn. Khi thời tiết thay đổi là lúc con người dễ bị VMDƯ nhất, nguyên nhân sau đó là do bị hít phải bụi nhà, lông súc vật hoặc phấn hoa…
Tuổi bắt đầu mắc bệnh là thiếu niên. Họ thường có cơ địa dị ứng, do vậy có thể thấy người bị VMDƯ hay mắc thêm dị ứng khác như hen phế quản, mày đay, dị ứng thuốc, dị ứng phấn hoa. Điều đáng lưu ý là người VMDƯ thường có người thân ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, con cái cũng mắc bệnh. Yếu tố di truyền cơ địa đóng vai trò quan trọng trong phát sinh bệnh. Hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi là những dấu hiệu của bệnh.
Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh là sự thay đổi thời tiết. Sau đó, tỉ lệ gần 30% trường hợp VMDƯ là do hít bụi nhà. Các loại bọ mạt nhà có thể sống chung với người ở chăn, gối, đệm, gas trải giường, trải thảm nhà… Chất nuôi dưỡng là biểu bì của da người và động vật nên chúng sinh sản rất nhanh. Nồng độ mạt bọ trong nhà càng cao thì tần suất xuất hiện triệu chứng VMDƯ càng nhiều. Vì thế, lời khuyên của BS thường xuyên tổng vệ sinh nhà ở và môi trường sống không bao giờ thừa.
Các loại phấn hoa, cây cỏ chiếm 5% nguyên nhân các ca bệnh. Phấn hoa là nguyên nhân của nhiều hội chứng dị ứng khác như viêm mũi mùa, sốt viêm kết mạc mùa xuân, hen phế quản. Người có tiền sử VMDƯ cũng cần cảnh giác với các loại lông chó, mèo, cừu, thỏ, ngay cả chất tiết của chúng cũng có khả năng gây VM. Trong số này, lông mèo có khả năng gây bệnh cao hơn, bởi nó có kích thước rất nhỏ nên tồn tại lâu hơn trong không khí và dễ dàng lọt sâu vào đường hô hấp.
Với bệnh nhân bị hen có viêm mũi dị ứng thì chỉ khi đều trị VMDƯ tốt thì mới kiểm soát hen tốt và càng điều trị triệt để, tỉ lệ phát sinh hen giảm đi. Những ngày thu này, thời tiết đang có sự giao thoa giữa nóng – lạnh, nắng – mưa, những người có cơ địa VMDƯ cần lưu ý giữ ấm khi trời trở lạnh, tránh dùng thuốc và thực phẩm gây dị ứng, làm sạch thông thoáng môi trường, tuyệt đối không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi gây dị ứng…
(Theo nghiên cứu của Phan Quang Đoàn, Nguyễn Văn Đĩnh
– ĐH Y Hà Nội và Lê Anh Tuấn – Sở Y tế Hà Nội)