Viêm mũi họng là bệnh lý thường gặp mỗi khi thời tiết trở lạnh, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Để hiểu rõ về bệnh viêm mũi họng, cách phòng tránh bệnh và biện pháp ứng phó hiệu quả khi mắc bệnh, hãy cùng theo dõi qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan về bệnh viêm mũi họng
Viêm mũi họng là tình trạng viêm niêm mạc tại vùng mũi và hầu họng.
Viêm mũi họng là bệnh lý phổ biến thường xuất hiện mỗi khi thời tiết chuyển mùa lạnh và có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào. Bệnh khởi phát nhanh và thường không kéo dài (cấp tính) nhưng lại khiến người bệnh khó chịu, gây ảnh hưởng xấu đến công việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân gây viêm mũi họng là do đâu?
Nguyên nhân
Phần lớn các trường hợp (60 – 80% trường hợp) viêm mũi họng cấp do nhiễm trùng được xác định là do nhiễm virus. Có khoảng trên 100 nhóm virus có thể gây ra bệnh viêm mũi họng, phổ biến là nhóm coronavirus, nhóm adenovirus, nhóm virus cúm, sởi… nhưng thường gặp nhất là nhóm rhinovirus (10 – 40% trường hợp).
Virus gây ra viêm mũi họng có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua mắt, mũi, miệng. Nó lây lan trực tiếp giữa người với người nhanh chóng qua những giọt nước bọt li ti trong không khí khi người mang virus ho, hắt hơi, sổ mũi hay nói chuyện trực tiếp và khi những người xung quanh vô tình hít phải sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi họng.
Virus gây viêm mũi họng cũng có thể lây lan gián tiếp khi người khỏe mạnh vô tình chạm vào các vật thể có chứa virus, ví dụ như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi,.. sau đó chạm lên miệng, mắt hoặc mũi của mình. Ngoài ra, dùng chung vật dụng như khăn mặt, cốc uống nước,… với người đang mắc bệnh cũng sẽ khiến bạn có khả năng bị lây bệnh.
Thông thường, viêm mũi họng do nhiễm virus là lành tính và thường tự khỏi sau khoảng 2 tuần dù có điều trị hay không. Tuy nhiên, nếu bị bội nhiễm thêm vi khuẩn sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn. Lúc này, bạn bắt buộc phải điều trị thêm kháng sinh dưới sự kiểm soát của bác sĩ để tránh viêm mũi họng cấp có thể chuyển thành nhiễm trùng nặng hoặc tiến triển thành viêm mạn tính.
Các trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn chiếm phần nhỏ hơn (20 – 40% trường hợp) nhưng có nguy cơ gây nên một số biến chứng nguy hiểm. Các vi khuẩn gây bệnh viêm mũi họng thường gặp bao gồm Hemophillus influenzae, tụ cầu, phế cầu, liên cầu nhóm A,…
Một số ít trường hợp viêm mũi họng có thể là do nấm (ví dụ như nấm Candida).
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ dưới đây khiến bạn dễ mắc bệnh viêm mũi họng hơn so với những người khác:
- Thời tiết: Sự chuyển mùa từ hè sang đông, gió mùa hoạt động khiến cả trẻ em và người lớn đều dễ mắc viêm mũi họng.
- Hệ miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do mắc các bệnh mạn tính hoặc lý do khác khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên.
- Tuổi tác: Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị viêm mũi họng hơn người lớn, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao hơn khi trẻ đi học tại trường mẫu giáo.
- Thói quen: Những người thường xuyên hút thuốc lá dù là chủ động hay bị động cũng đều dễ mắc viêm mũi họng và có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những người ít hoặc không tiếp xúc với khói thuốc.
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người: Tiếp xúc nơi đông người trong những môi trường kín như ô tô, máy bay, phòng học, văn phòng,… làm tăng khả năng bị nhiễm bệnh do lây lan từ những người xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm mũi họng
Triệu chứng khi mắc viêm mũi họng khá đặc trưng và dễ nhận biết. Các triệu chứng dần xuất hiện sau khoảng 1 – 3 ngày nhiễm bệnh và thường kéo dài từ 7 – 10 ngày. Trong trường hợp xấu, khi không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn và tiến triển thành mạn tính, gây một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Các triệu chứng viêm mũi họng khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, uể oải, tuy nhiên những triệu chứng này thường không kéo dài và không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Những triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết của viêm mũi họng gồm:
- Hắt hơi.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
- Ho khan.
- Nhức mỏi cơ thể.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Đau hoặc ngứa cổ họng.
- Ngứa mắt hoặc chảy nước mắt.
- Sốt nhẹ (trẻ em có khi sốt cao trên 40 độ).
- Chảy dịch mũi sau.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường khi mắc viêm mũi họng bạn không cần tới khám bác sĩ mà có thể tự điều trị các triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải một hoặc một vài tình trạng dưới đây, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn:
- Sốt cao trên 38,5 độ C ( 38 độ C trở lên đối với trẻ em, đặc biệt là những bé dưới 12 tuần tuổi).
- Sốt kéo dài trên 5 ngày.
- Tái phát sốt trong thời gian ngắn.
- Khó thở hoặc thở khò khè.
- Họng đau dữ dội.
- Đau xoang hoặc đau đầu dữ dội.
- Cơ bắp yếu ớt, mệt mỏi, uể oải.
Chẩn đoán viêm mũi họng như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh viêm mũi họng, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bạn về các triệu chứng bệnh mà bạn cảm nhận được rồi mới bắt đầu thăm khám. Bác sĩ có thể quan sát mũi, tai, cổ họng của bạn và dùng tăm bông lấy mẫu dịch để kiểm tra khả năng nhiễm khuẩn hay nhiễm cúm.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kiểm tra các hạch bạch huyết để xác định có hiện tượng sưng hay không và nghe phổi khi hít thở đều để xem có dịch trong phổi hay không.
Điều trị viêm mũi họng
Viêm mũi họng là bệnh lý thường gặp mà ai cũng sẽ mắc phải một hoặc vài lần. Để điều trị bệnh hiệu quả, ngay khi có những triệu chứng của bệnh viêm mũi họng, bạn nên áp dụng các biện pháp dưới đây để cải thiện tình trạng bệnh:
Sử dụng thuốc
Viêm mũi họng do virus gây ra không thể điều trị khỏi bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh. Vì vậy, bác sĩ sẽ hướng đến việc điều trị các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng thuốc kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc không cần kê đơn dưới đây để giảm triệu chứng bệnh, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:
- Thuốc giảm đau: pseudoephedrine.
- Thuốc giảm đau kết hợp thuốc kháng histamin.
- Thuốc kháng viêm không steroid: aspirin, ibuprofen,…
- Thuốc long đờm: guaifenesin.
- Thuốc trị ho: dextromethorphan, codeine,…
- Thuốc kháng virus nếu người bệnh bị nhiễm cúm.
- Thuốc xịt mũi: fluticasone propionate,…
Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng, không được lạm dụng thuốc và phải thông báo ngay cho bác sĩ khi có các biểu hiện bất thường để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh việc dùng các loại thuốc uống thông thường, bạn có thể sử dụng máy xông khí dung Omron (Máy xông mũi họng) để hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh viêm mũi họng.
Máy xông mũi họng Omron có tác dụng phân tán thuốc, chuyển đổi thuốc từ dạng lỏng thành dạng khí dung giúp bạn có thể dễ hít vào qua mặt nạ hoặc ống ngậm. Nhờ vậy, thuốc sẽ dễ dàng đi vào đường hô hấp và vùng niêm mạc bị tổn thương, đem lại tác dụng điều trị tại chỗ nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời tránh được các tác dụng không mong muốn toàn thân của thuốc khi dùng qua đường uống.
Sở hữu công nghệ phun sương tiên tiến nhất hiện nay, cùng với thiết kế thông minh, thao tác sử dụng dễ dàng, máy xông khí dung Omron sẽ là sự lựa chọn an toàn, hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý hô hấp cho mọi gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ.
Máy xông mũi họng Omron gồm hai loại chính bạn có thể lựa chọn là: Máy xông khí dung nén khí và máy xông khí dung dạng lưới. Để tìm hiểu thêm về các sản phẩm máy xông khí dung Omron, bạn có thể tham khảo ngay tại đây: Máy xông khí dung Omron loại nào tốt?
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Song song với việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây để cải thiện các triệu chứng bệnh và nâng cao sức đề kháng của mình, giúp bệnh nhanh khỏi hơn:
✔ Bổ sung nước cho cơ thể
Khi bị viêm mũi họng, bạn cần đảm bảo bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể. Nước giúp giữ ẩm, làm dịu và giảm đau cổ họng, đồng thời giúp làm lỏng lượng chất nhầy trong đường hô hấp để đẩy ra ngoài dễ dàng hơn, nhờ đó làm thông thoáng và giảm kích ứng đường hô hấp.
Ngược lại, rượu và các đồ uống có chứa caffeine sẽ làm cơ thể mất nước, dễ gây khô, kích ứng cổ họng. Vì vậy, bạn nên tránh uống các loại nước này khi đang bị viêm mũi họng.
✔ Súc miệng bằng nước muối
Nước muối có tác dụng sát khuẩn, làm sạch khoang miệng và cổ họng, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn và virus gây ra bệnh. Đồng thời, nước muối ấm sẽ giúp làm dịu niêm mạc và giảm sưng đau hiệu quả.
Để cải thiện các triệu chứng của viêm mũi họng, bạn có thể hòa tan nửa thìa muối với 120ml nước ấm, dùng súc miệng 2 – 3 lần/ngày khi thấy mũi, họng khó chịu sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu và nhanh hồi phục hơn.
✔ Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi giúp xoang được cấp ẩm, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi và giảm viêm mạch máu mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi.
✔ Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy xông hơi
Hơi ấm, ẩm sẽ giúp làm dịu niêm mạc hô hấp, thông tắc mũi xoang, làm loãng dịch nhầy hô hấp trong khoang mũi và giải phóng chúng, nhờ đó cải thiện đáng kể tình trạng nghẹt mũi.
Bạn có thể sử dụng các loại máy phun sương tạo độ ẩm trong nhà mình để cải thiện tình trạng viêm mũi họng.
✔ Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi bị viêm mũi họng, các triệu chứng toàn thân sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải hơn. Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh cũng có thể khiến bạn buồn ngủ. Vì vậy, bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi trong thời gian điều trị bệnh để cơ thể có thể phục hồi nhanh hơn. Duy trì chế độ ngủ nghỉ hợp lý cũng khiến cơ thể có nhiều năng lượng và tăng cường sức đề kháng giúp bệnh nhanh khỏi.
Không chỉ vậy, nghỉ ngơi tại nhà cũng giúp hạn chế lây lan bệnh viêm mũi họng cho những người xung quanh.
Phòng ngừa viêm mũi họng như thế nào?
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm mũi họng. Ngoài việc phải thường xuyên vệ sinh tai, mũi, họng, bạn cần duy trì lối sống và thói quen lành mạnh để phòng bệnh tốt hơn. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể tham khảo:
- Rửa tay thường xuyên: Rửa tay kĩ lưỡng và thường xuyên với xà phòng sát khuẩn sẽ giúp ngăn chặn, tiêu diệt các virus, vi khuẩn gây ra bệnh viêm mũi họng và những bệnh khác.
- Vệ sinh, khử trùng vật dụng trong nhà: Vệ sinh kĩ các khu vực hay tiếp xúc như phòng bếp, nhà vệ sinh, các vật dụng thường cầm vào như tay nắm cửa, cầu thang, vòi nước,… để ngăn chặn sự lây lan của virus, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là khi trong nhà có người đang mắc bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc hoặc giao tiếp với bất kì người nào bạn biết có triệu chứng hoặc nguy cơ mắc viêm mũi họng.
- Sử dụng khăn giấy khi ho, hắt hơi: Khi bị ho, hắt hơi hoặc chảy nước mũi, bạn nên sử dụng khăn giấy rồi vứt bỏ vào thùng rác kín nắp, sau đó rửa tay với xà phòng thật sạch để hạn chế nguy cơ virus lây lan trong không khí. Nếu không có khăn giấy ngay lúc đó, bạn nên dùng khuỷu tay để che mũi miệng thay vì dùng bàn tay.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ở nơi công cộng, trên xe, tránh tiếp xúc với khói bụi, virus, vi khuẩn.
- Hạn chế đến những nơi bị ô nhiễm, nếu tính chất công việc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi thì cần sử dụng đồ bảo hộ.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, tránh ăn đồ ăn sống hoặc lên men vì đây là những thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn.
- Tự chăm sóc bản thân: Duy trì chế độ ăn cân bằng, phong phú, giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Tập thể dục, thể thao 30 phút mỗi ngày kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ và chú ý giữ ấm cho cơ thể mỗi khi trời lạnh, đặc biệt là vùng mũi họng.
Duy trì những thói quen lành mạnh này sẽ khiến cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa viêm mũi họng cũng như nhiều bệnh lý khác.
Trên đây là những thông tin tổng quan về bệnh viêm mũi họng. Đây là bệnh lý tuy phổ biến và không nguy hiểm nhưng nếu chủ quan và điều trị không tốt sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sinh hoạt cũng như những biến chứng khó phục hồi. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ về viêm mũi họng để giúp bản thân và gia đình nhận biết, điều trị sớm cũng như phòng, chống bệnh hiệu quả, từ đó bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/nasopharyngitis
- https://www.healthline.com/health/cold-flu/nasopharyngitis
- http://benhviendktinhquangninh.vn/phac-do-dieu-tri-tai-mui-hong/viem-mui-hong-cap-tinh.1728.html