Cùng với nét thi vị của những cơn mưa đầu mùa là những nỗi lo âu, ám ảnh của các bà mẹ có con nhỏ. Hàng năm, cứ vào mùa mưa thì tại các bệnh viện và phòng khám nhi khoa, số lượng bệnh nhi tăng lên một cách đáng kể. Vào thời điểm chuyển sang mùa mưa các bé có thể bị hơn 100 loại virus tấn công. Nguy hiểm nhất là tình trạng nhiễm siêu vi đường hô hấp trên mũi và họng của bé.
Virus ở khắp nơi
Các virus thường xâm nhập vào cơ thể từ mũi hoặc miệng của bé thông qua ba đường: Một là những người bệnh ho, chảy mũi và nói chuyện bên cạnh. Hai là những người không rửa tay mà cầm tay bé. Ba là, một số virus có thể sống ở môi trường ngoài hơn 2 giờ và bám trên bề mặt của một số đồ vật, như đồ chơi của bé.
Trẻ dễ bị cảm vào mùa thu, đông, khi không khí khô, trẻ em đến trường và hầu hết mọi người ở trong nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Biểu hiện của bệnh
Nghẹt mũi, chảy mũi là những triệu chứng đầu tiên. Đầu tiên nước mũi trong và loãng; dần trở nên đục, đặc và có màu vàng hoặc xanh. Khi nặng hơn, bé sẽ có các dấu hiệu khác như: hâm hấp sốt (37,80C), nhảy mũi, ăn kém, hay quấy và khó ngủ…
Đưa bé đến bác sỹ khi…
Hầu hết các cơn cảm chỉ là một sự phiền toái. Bệnh thường sẽ thoái lui trong khoảng 7-10 ngày. Nếu diễn tiến kéo dài, bé có thể có các biến chứng nặng như thở khò khè, viêm tai giữa cấp, viêm mũi xoang, viêm họng mủ, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản.
Nếu bé mới 2-3 tháng tuổi, hãy đưa bé đến bác sỹ ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh vì có thể nhanh chóng gây biến chứng. Hơn nữa, nghẹt mũi làm bé không bú được và hậu quả là bé bị mất nước.
Đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, có thể chỉ cần chăm sóc bé tại nhà, hãy khám bác sỹ khi bé có các dấu hiệu sau: Tã lót của bé không còn ướt như thông thường, sốt cao hơn 38,90C trong một ngày, sốt cao hơn 38,30C kéo dài trong 3 ngày; đau tai, đỏ mắt và chảy nước mắt, ho hơn 1 tuần; nước mũi đặc, màu xanh hơn 2 tuần; hoặc có thể có bất cứ dấu hiệu nào làm bạn lo lắng…
Khi đưa trẻ đi khám bác sỹ, bạn nên chuẩn bị kỹ trước khi đưa bé đi. Hãy ghi chú bất cứ dấu hiệu nào bạn phát hiện ở bé; ghi chú các thông tin cá nhân như tình trạng nhà trẻ, mức độ thường xuyên nhiễm cảm của bé, thời gian bệnh thường kéo dài; danh sách thuốc mà bé đang sử dụng…
Hãy lên danh sách những câu hỏi mà bạn quan tâm, chẳng hạn như: Nguyên nhân có thể là gì? Cách điều trị tốt nhất là gì? Còn những cách điều trị thay thế nào khác? Em bé còn những tình trạng sức khỏe khác, có thể điều trị kèm theo? Cần “kiêng kỵ” những gì? Có thuốc nào không an toàn cho bé ở lứa tuổi này…
Chăm sóc bé cẩn thận
Vào thời điểm giao mùa, mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo, tránh nhiễm lạnh do mưa, giữ ấm, tránh gió lạnh về chiều. Không nên nằm ngủ trong phòng máy lạnh kéo dài hay để quạt suốt đêm.
Cần vệ sinh ăn uống, vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ để tránh nhiễm trùng.
Rửa tay sạch sẽ, không cho trẻ mút tay, ngoáy mũi.
Bố trí phòng ở thoáng mát, sạch sẽ, tiêu diệt muỗi, thông thoát nước tốt, tránh để nước đọng vũng tạo môi trường ẩm thấp.
Cần tiêm chủng ngừa bệnh cho trẻ đầy đủ theo chương trình quy định.
Theo dõi và đi khám bệnh sớm, tránh để bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hiểm.
Theo Afamily