Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến mà nhiều người mắc phải hiện nay. Bệnh gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu, triệu chứng của viêm mũi dị ứng là rất cần thiết để hạn chế các ảnh hưởng xấu do bệnh lý này gây ra.
Mục lục
Tổng quan về viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi xoang bị viêm khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) như bụi, khói, phấn hoa, lông động vật,..
Viêm mũi dị ứng thường được chia làm hai loại:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Là tình trạng viêm mũi dị ứng chỉ xuất hiện tại một thời điểm nhất định trong năm, thường gây ra bởi chất gây dị ứng thực vật và các chất thay đổi theo mùa như phấn hoa, cỏ cây, thay đổi thời tiết,…
- Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Tình trạng viêm mũi có thể xảy ra bất cứ mùa nào, thường do các tác nhân như nấm mốc, bụi, lông động vật, khói thuốc lá, thời tiết khắc nghiệt,.. gây ra.
Viêm mũi dị ứng là tình trạng phổ biến có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Đây là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Nhận biết sớm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng là việc làm cần thiết để có phương pháp điều trị bệnh phù hợp và kịp thời nhất. Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:
✔ Hắt hơi liên tục
Hắt hơi là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm mũi dị ứng. Nếu bị viêm mũi dị ứng, khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bạn sẽ bị hắt hơi thường xuyên và đột ngột. Đôi khi, cơn hắt hơi có thể kéo dài đến vài phút gây mệt mỏi cho người bệnh và ảnh hưởng xấu đến cả những người xung quanh.
✔ Chảy nước mũi
Người bệnh viêm mũi dị ứng thường bị chảy nước mũi liên tục ở cả hai bên mũi. Nước mũi thường trong và không có mùi.
✔ Nghẹt mũi
Chảy nước mũi cùng với niêm mạc mũi xoang bị phù nề khiến người bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nghẹt mũi. Nghẹt mũi có thể xảy ra ở cả hai bên mũi khiến người bệnh không thở được và phải thở bằng miệng, điều này rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, thở bằng miệng kéo dài còn có thể gây khô họng, viêm họng và viêm thanh quản.
✔ Ngứa mũi
Ngứa mũi cũng là một dấu hiệu điển hình của viêm mũi dị ứng. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có tác nhân dị ứng xâm nhập vào mũi gây nên tình trạng ngứa. Bạn sẽ có cảm giác ngứa mũi, thậm chí ngứa ở mắt hoặc tai ngoài. Tình trạng ngứa có thể kéo dài trong vài giờ hay vài ngày và có thể gây viêm đỏ, trầy da vùng chóp mũi do chà xát thường xuyên khi bị ngứa.
Bên cạnh đó, người bệnh viêm mũi dị ứng còn có thể gặp phải các triệu chứng phụ dưới đây khi bệnh lan rộng hơn:
- Đau nhức đầu: Người bệnh viêm mũi dị ứng thường có cảm giác đầy ngạt trong mũi dẫn đến đau nặng đầu, nhức đầu, đau đầu vùng trán,…
- Ù tai: Khi bị viêm mũi dị ứng, lượng dịch tiết và chất nhầy ở mũi quá nhiều sẽ gây tắc nghẽn và có thể tràn qua các lỗ thông nhau vùng tai mũi họng gây suy giảm thính lực, ù tai, khó nghe.
- Giảm khứu giác: Tình trạng nghẹt mũi có thể gây giảm khả năng ngửi và phân biệt mùi của người bệnh.
- Ho: Bệnh nhân có thể bị chảy mũi sau họng gây khịt mũi, hắng giọng và ho. Đặc biệt, người bệnh viêm mũi dị ứng kèm theo hen suyễn có thể gặp phải tình trạng ho và thở khò khè.
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường diễn ra trong khoảnh khắc hoặc có thể kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự khỏi, không tiến triển nặng hay gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nó lại gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, lo lắng, stress nhiều…
Phân biệt triệu chứng viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng khá dễ nhận biết, tuy nhiên, nó lại dễ bị nhầm lẫn với tình trạng viêm mũi thông thường. Đây cũng là lý do nhiều bệnh nhân viêm mũi dị ứng lầm tưởng mình bị viêm mũi thông thường và ngược lại, dẫn đến việc điều trị không phù hợp, làm giảm hiệu quả điều trị và khiến bệnh diễn biến nặng hơn, thâm chí gây ra những biến chứng không mong muốn.
Dưới đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa viêm mũi dị ứng và viêm mũi thông thường giúp bạn phân biệt hai bệnh lý này:
- Đối với viêm mũi thông thường: Tác nhân gây bệnh thường do virus, vi khuẩn từ các mầm bệnh như cảm, cúm, các bệnh lý tai mũi họng gây ra. Người bị viêm mũi thông thường thường sẽ hắt hơi ít nhưng tình trạng nghẹt mũi nhiều hơn, nước mũi thường là dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có cảm giác mệt mỏi rã rời toàn thân, có thể kèm theo sốt và sợ lạnh.
- Đối với viêm mũi dị ứng: Tác nhân gây bệnh không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân dị ứng gây ra như phấn hoa, lông động vật, khói bụi,.. Bệnh thường biểu hiện nhanh và đột ngột với các triệu chứng điển hình như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi. Nước mũi của người bệnh viêm mũi dị ứng thường trong, lỏng như nước lã và có thể kèm theo tình trạng viêm kết mạc dị ứng.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm mũi dị ứng?
Để chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe cho bạn và đưa ra những câu hỏi về các triệu chứng bệnh. Bạn có thể được hỏi về việc các triệu chứng có thay đổi theo thời gian trong ngày hay theo mùa hay không, việc tiếp xúc với các vật nuôi và các chất gây dị ứng khác,…
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh như:
- Test kích thích: Thông qua các phản ứng dị ứng với từng dị nguyên khác nhau để chẩn đoán bệnh.
- Xét nghiệm dị ứng da: Dựa trên sự mẫn cảm tức thời của da (qua trung gian IgE) khi tiếp xúc với dị nguyên.
- Xét nghiệm máu (thử nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ – RAST): Qua hình thức kiểm tra hệ miễn dịch IgE để chẩn đoán dạng dị ứng cụ thể trong máu, từ đó đưa ra được mức độ ảnh hưởng của tình trạng dị ứng.
Viêm mũi dị ứng cần phải làm gì?
Viêm mũi dị ứng không điều trị kịp thời có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Vì vây, khi có các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, bạn nên đi thăm khám bác sĩ sớm để có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời nhất.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng bạn có thể tham khảo:
Tránh các tác nhân gây dị ứng
Tránh tiếp xúc hay hít phải tác nhân gây dị ứng là một trong những phương pháp hiệu quả để phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng. Để làm được điều này, bạn có thể thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống như:
- Giữ vệ sinh nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, giặt chăn ga gối đệm thường xuyên và phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Hạn chế hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khi quét dọn nhà cửa để hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa thay đổi từ nóng sang lạnh.
- Nếu bạn bị dị ứng với lông động vật, bạn không nên nuôi chó, mèo trong nhà hoặc tiếp xúc với chó mèo ở mức tối đa.
Chú ý đến chế độ ăn uống
Thực phẩm có thể là tác nhân gây viêm mũi dị ứng. Vì vậy, người bị viêm mũi dị ứng cần chú ý trong việc lựa chọn các loại thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày để hạn chế tái phát bệnh đồng thời giúp tăng cường sức khỏe và khắc phục nhanh những khó chịu do bệnh gây ra.
Những thực phẩm người bị viêm mũi dị ứng nên lựa chọn:
- Rau củ quả giàu vitamin C như ớt chuông, cà rốt, bưởi, khế, cam, táo….
- Các loại thực phẩm có tính ấm như gừng, tỏi, hành,…
- Các loại gia vị có chứa tinh dầu như rau mùi, bạch hà, rau thơm, ngổ
- Thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá nục,…
Bên cạnh đó, người bị viêm mũi dị ứng cần tránh các loại thực phẩm sau:
- Thức ăn có tính lạnh, béo và tanh: Các loại hải sản như tôm, cua, ốc…,thịt mỡ, nước lạnh, kem lạnh,…
- Sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Thực phẩm có tính cay, nóng như ớt, hạt tiêu,..
- Đồ uống có cồn.
- Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Đậu phộng, đào, cần tây, quả lê, dưa hấu, các loại hạt,…
Sử dụng thuốc
Khi bạn bị viêm mũi dị ứng, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng của bệnh dưới đây:
- Nhóm thuốc kháng histamin: Clorpheniramin, Loratadin, Fexofenadin, Cetirizin,…
- Nhóm thuốc co mạch: Xylomethazolin, Naphazolin
- Nhóm thuốc kháng sinh: Trimethoprim, Sulfamethoxazole, Voriconazole, Amphotericin B,…
- Corticosteroid dạng xịt hoặc dạng uống.
Sử dụng phương pháp dân gian
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, sử dụng các nguyên liệu dân gian để điều trị viêm mũi dị ứng cũng là phương pháp được nhiều người ưa chuộng do cách thực hiện đơn giản và tiết kiệm. Dưới đây là một số phương pháp chữa viêm mũi dị ứng tại nhà mà bạn có thể áp dụng:
➤ Chữa viêm mũi dị ứng bằng gừng
Theo nghiên cứu, trong chiết xuất của gừng rất giàu hoạt chất 6-Gingerol – một hợp chất có hoạt tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Chất này có khả năng ức chế các chất trung gian gây viêm, nhờ đó giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, các hoạt chất capsaicin và piperine trong gừng cũng có tác dụng kháng histamin, giúp thông thoáng xoang mũi ở người bệnh viêm mũi dị ứng.
Để sử dụng gừng điều trị viêm mũi dị ứng, bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Gừng đem thái lát mỏng rồi hòa cùng nước sôi và mật ong để uống. Bạn nên uống 2 cốc nước gừng mật ong này vào mỗi buổi sáng và buổi tối để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nhai môt miếng gừng tươi nhỏ vài lần mỗi ngày cũng có tác dụng chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả.
➤ Nghệ chữa viêm mũi dị ứng
Nghệ có thành phần chính là Curcumin. Đây là một chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh, có tác dụng giúp phục hồi các vùng niêm mạc bị tổn thương trong bệnh viêm mũi dị ứng, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà bằng nghệ:
- Trộn đều hỗn hợp 6 muỗng bột nghệ và mật ong rồi bảo quản trong bình chứa kín khí. Khi uống pha 1 muỗng cà phê hỗn hợp này với nước, uống 2 lần mỗi ngày trong mùa dị ứng.
- Uống 1 ly sữa nghệ ấm hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
➤ Lá bạc hà chữa viêm mũi dị ứng
Lá bạc hà rất giàu hoạt chất Menthol có tác dụng làm thư giãn thần kinh, chống viêm, diệt khuẩn và diệt virus, giúp làm thông thoáng xoang mũi ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Để điều trị viêm mũi dị ứng bằng lá bạc hà, bạn cần chuẩn bị 10 – 15 lá bạc hà đem hãm với nước sôi trong khoảng 15 phút rồi chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp được sử dụng khi các liệu pháp điều trị viêm mũi dị ứng khác đã thất bại. Đây là phương pháp làm thay đổi sự đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân thông qua biện pháp giải mẫn cảm. Khi đã tìm được nguyên nhân gây dị ứng, người bệnh sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần để cơ thể thích ứng từ từ với chất đó và không dị ứng nữa.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Cách chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng mà bạn cần biết cũng như một số phương pháp điều trị bệnh phổ biến. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn nhiều kiến thức bổ ích để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/allergic-rhinitis
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8622-allergic-rhinitis-hay-fever