Theo dự báo thời tiết, những ngày tới, trời sẽ trở lạnh bất thường. Với sự thay đổi này, nhiều ông cụ, bà lão có nguy cơ nhập viện vì bệnh đường hô hấp, bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính, cơ xương khớp… Trẻ em sẽ có nguy cơ viêm tiểu phế quản cao.
Trẻ em: Cảnh giác với viêm tiểu phế quản
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1, trẻ em sức đề kháng vốn chưa hoàn chỉnh nên sẽ dễ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm tiểu phế quản. Đây là bệnh khá đặc biệt, xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới hai tuổi, trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản: 1-2 ngày đầu thì trẻ cảm ho, sốt, sổ mũi… như các bệnh cảm thông thường khác. Bắt đầu từ ngày thứ 3-4 trở đi, bệnh xuất hiện rõ hơn với ba triệu chứng điển hình: ho dữ dội, đỏ mặt, tím tái (trẻ dưới 6 tháng tuổi ho nhiều dễ nhầm như ho gà); khò khè (triệu chứng điển hình của viêm tiểu phế quản, dễ nhầm với hen suyễn); khó thở ở nhiều mức độ khác nhau, nhanh hơn bình thường hay khó thở nặng nặng phải nhập viện. “Tỉ lệ tử vong của bệnh là không phổ biến nhưng nó gây bệnh nhiều, chi phí điều trị cao, gánh nặng kinh tế-xã hội. Một số em bé trong nhóm nguy cơ như mắc kèm bệnh tim mạch, phổi mạn tính, sinh non, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch… khi viêm tiểu phế quản sẽ rất nặng” – bác sĩ Tuấn nói.
Bên cạnh đó, trời lạnh sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bị dị ứng đường hô hấp như viêm mũi xoang, đặc biệt bệnh hen suyễn sẽ gia tăng. Hen suyễn cũng có triệu chứng điển hình là khò khè. Tuy nhiên, trong một số tình huống không điển hình thì bệnh nhi cũng chỉ biểu hiện bằng ho kéo dài, chủ yếu ho về đêm, tới mức không thở được. Nếu không giữ khéo, bệnh nhân sẽ bị lên cơn. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, đối với trẻ có biểu hiện ho kéo dài, dù gia đình có người bị suyễn hay không thì cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để xem trẻ có phải bị suyễn hay không.
Trẻ càng nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh phải được giữ ấm khi trời lạnh, hạn chế không sử dụng than đá, than củi sưởi ấm vì rất độc. Chú ý rửa tay, tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc trẻ lớn hoặc người lớn đang bị cảm ho… bác sĩ khuyên.
Người lớn: Dễ đột tử
TS-BS Đào Thị Thanh Bình, BV Nguyễn Trãi, cho biết: Khi trời lạnh, không nên làm việc quá gắng sức ở ngoài trời, đặc biệt với người lớn tuổi, vì sẽ làm tăng công suất hoạt động của tim, từ đó dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch.
Đối với người bệnh động mạch vành, khi gặp thời tiết lạnh, bệnh nhân dễ bị đau thắt ngực vì cơ thể phải tăng tiết catecholamine đối phó với tình trạng thân nhiệt giảm, qua đó làm co mạch vành, nhất là khi đã có hẹp động mạch vành trước đó. Nếu trời quá lạnh thì nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ gia tăng do gắng sức quá mức.
Theo bác sĩ CKII Trịnh Anh Dũng (Trưởng khoa Nội hô hấp, BV Nguyễn Trãi), ngoài các bệnh tim mạch, trời lạnh làm nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khổ sở hơn. Những người mắc bệnh này khi trời lạnh dễ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi làm viêm phổi, làm cho bệnh nặng lên và có khả năng dẫn đến suy hô hấp. Những yếu tố thúc đẩy bệnh tiến triển là thuốc lá, khói bụi, hóa chất… Bên cạnh việc yêu cầu bệnh nhân ăn uống đầy đủ, giữ ấm và luyện tập thể dục, nhiều nước đã thực hiện tiêm ngừa cho các bệnh nhân bị viêm nhiễm đường hô hấp mạn tính. Ở Việt Nam, Viện Pasteur cũng có vaccine phòng ngừa cảm cúm, tuy nhiên việc tiêm ngừa vẫn chưa được nhiều người quan tâm.
Một lời khuyên khác để bảo vệ cơ thể trong thời tiết lạnh là không nên ra môi trường lạnh đột ngột, không tắm, gội đầu sau 5 giờ chiều, tránh ngủ máy lạnh, quạt gió… Ngoài ra, “Thời tiết lạnh, ẩm ướt… là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ lớn tuổi (40-60 tuổi) bị hội chứng đau lan tỏa nhiều nơi tự phát (đau cơ, gân-dây chằng). Đây là bệnh lành tính nhưng mạn tính. Bệnh nhân mắc chứng bệnh này cần uống thuốc kèm với xoa bóp, tắm bùn, thư giãn…” – bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc BV quận 8, cho biết.
Duy Tính