Ngừng tuần hoàn xảy ra khi tim không co bóp hoặc co bóp nhưng không còn khả năng bơm máu. Tim đập rất nhanh, loạn nhịp làm lượng máu trở về tim hầu như không có cũng như “bóp rỗng”, không thể tống máu vào động mạch chủ. Nhồi máu cơ tim cũng có thể gây ra tình trạng ngừng tuần hoàn
Đôi khi nhồi máu cơ tim cũng gây ra ngừng tuần hoàn. Ngừng tuần hoàn cũng có thể là hậu quả của ngừng thở kéo dài, rối loạn điện giải trầm trọng, đuối nước, điện giật hay sau chấn thương. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tử vong mà không rõ nguyên nhân.
Chết não và chết lâm sàng xảy ra nhanh chóng chỉ trong vòng từ 4 đến 6 phút nếu ngừng tuần hoàn kéo dài. Cơ hội cứu sống nạn nhân bị ngừng tuần hoàn sẽ giảm đi từ 7 – 10% cho mỗi phút không được điều trị. Sau 10 phút ngừng tuần hoàn, khả năng cứu sống nạn nhân là vô cùng thấp.
Tuy nhiên, những nạn nhân bị ngừng tuần hoàn có thể được cứu sống nếu được điều trị ngay bằng hồi sức tim – phổi (ép tim thổi ngạt và sốc điện) kịp thời. Sốc điện có thể giúp đưa nhịp tim trở lại bình thường. Thủ thuật này được gọi là phá rung chuyển nhịp
Bạn cần làm gì nếu ngừng tuần hoàn xảy ra?
Nạn nhân đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng với xung quanh, gọi hỏi không biết (nếu đang đứng hoặc ngồi có thể khuỵu ngã, đôi khi gây ra chấn thương thêm ngoài tình trạng ngừng tuần hoàn đang xảy ra).
Ngừng thở, mất mạch, toàn thân tím tái.
Có thể có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, và đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ.
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu nào ở trên hoặc một ai đó đột ngột ngất xỉu và không đáp ứng với xung quanh, hãy gọi người đến hỗ trợ ngay lập tức. Nếu không mất quá nhiều thời gian, hãy gọi cấp cứu 115 để đội cấp cứu đến giúp bạn.
Bắt đầu tiến hành hô hấp nhân tạo ngay. Hà hơi thổi ngạt – ép tim sẽ phần nào giúp cho dòng máu được đẩy từ tim vào động mạch chủ và lên não, duy trì sự sống của nạn nhân cho tới khi các nhân viên y tế đến nơi. Nếu bạn không biết cách hà hơi thổi ngạt và trong tay có điện thoại, hãy gọi đến trung tâm cấp cứu, bạn sẽ được hướng dẫn phải làm như thế nào.
Nếu bạn biết cách sử dụng máy phá rung (máy sốc điện) và nếu sẵn có phương tiện ở đó, hãy tiến hành sốc điện ngay để chuyển nhịp tim của nạn nhân về nhịp bình thường.
Bốn bước cần làm ngay khi có nạn nhân ngừng tuần hoàn:
- (1) Gọi trợ giúp/ cấp cứu
- (2) hà hơi thổi ngạt – ép tim
- (3)sốc điện phá rung chuyển nhịp (nếu có thể)
- (4) tiếp tục cấp cứu hồi sức tim phổi tại bệnh viện.
TS. Phạm Mạnh Hùng