Đau đầu và chứng tăng huyết áp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người ta đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Đau đầu là một triệu chứng thường gặp nhất, nổi trội nhất của bệnh tăng huyết áp.
Mối quan hệ giữa đau đầu và tăng huyết áp
Đau đầu do tăng huyết áp nhiều ở nữ hơn nam giới, tỷ lệ chiếm 3/4 trường hợp. Có thể do đặc điểm tâm sinh lý phụ nữ. Độ tuổi: trung bình thường gặp đau đầu do tăng huyết áp trên 50 tuổi, tính trội của đau đầu không tăng theo tuổi tác. Trái lại, triệu chứng chóng mặt có tỷ lệ ưu thế tăng theo tuổi đời. Xung đột tâm lý do buồn, làm cho đau đầu và các biểu hiện chức năng khác của tăng huyết áp tăng lên. Những bệnh nhân tăng huyết áp có hoạt động thể lực, ít có biểu hiện đau đầu và rối loạn chức năng khác.
Tính chất đau đầu do tăng huyết áp là đau đầu điển hình về buổi sáng, khu trú ở chẩm và giảm dần trong ngày về cường độ. Về thời gian biểu của đau đầu do tăng huyết áp phần lớn xảy ra về cuối đêm và sáng sớm (từ 4 – 5 giờ). Có thể đau đầu còn xuất hiện sớm hơn (vào khoảng 2-3 giờ sáng). Đau đầu làm bệnh nhân thức giấc. Có nhiều trường hợp, khi bệnh nhân tỉnh dậy đã thấy đau đầu rồi. Cần chú ý là các bệnh nhân tăng huyết áp mắc bệnh đau đầu khi ngủ làm cho bệnh nhân khó chịu và mất ngủ.
Đau đầu còn kéo dài cho tới khi thức dậy, hay vào giờ đầu buổi sớm và thường bớt dần vào lúc bắt tay vào hoạt động công việc. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp, đau đầu có thể kéo dài cả ngày như thế trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nói chung, đau đầu thường khu trú nhiều ở vùng chẩm – trán. Bệnh nhân có cảm giác cứng các cơ gáy, đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán. Hầu hết đau đầu thường ở hai bên, cân đối và về ban đêm.
Những biện pháp điều trị đau đầu do tăng huyết áp
Trước tiên phải điều trị căn nguyên bệnh tăng huyết áp. Đồng thời phải xử trí ngay hội chứng tăng huyết áp bằng các biện pháp thích hợp: bắt đầu từ những liều thuốc nhẹ, sau đó tăng dần (ăn nhạt, lợi tiểu cách quãng, methyldopa, chống mất kali). Tránh dùng loại thuốc giảm huyết áp mạnh ngay lúc đầu. Bao giờ cũng phải cho thêm thuốc an thần kết hợp: những thuốc trấn tĩnh thần kinh như diazepam nhưng nếu chưa đủ tác dụng thì có thể kết hợp với chống trầm cảm như amitriptylin, imipramin… Trong những trường hợp nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi, nằm thư giãn cũng có thể làm giảm mức độ đau đầu do tăng huyết áp. Trường hợp đau đầu do tăng huyết áp có kết hợp với bệnh Migraine thì sử dụng các loại thuốc chống Migraine kết hợp.
Trong quá trình điều trị cần theo dõi chỉ số của huyết áp và mức độ của đau đầu. Khoảng 1/4 trường hợp thấy có sự thuyên giảm song song huyết áp và đau đầu. Có trường hợp huyết áp giảm nhưng đau đầu vẫn tồn tại. Đó là do không dùng thuốc an thần kết hợp và trạng thái tâm lý chưa được ổn định. Khi nghi ngờ xuất hiện bệnh não tăng huyết áp cần đưa người bệnh tới khoa cấp cứu hồi sức hoặc khoa thần kinh. Ở đấy thầy thuốc sẽ cho dùng các loại thuốc có tác dụng nhanh và mạnh hơn theo đường tiêm, truyền tĩnh mạnh sodium nitroprusside, diazoside, hydralazine, enalaprilat… Cần thận trọng những loại thuốc này không được dùng trong điều trị ngoại trú.
Nguồn tin: SKĐS