Trẻ bị sốt lâu ngày khiến nhiều mẹ lo lắng. Nguyên nhân trẻ bị sốt thì có rất nhiều như sốt virut, sốt do nhiễm khuẩn, sốt do mắc phải một bệnh nào đó. Vậy khi nào trẻ bị sốt thì được dùng kháng sinh, và dùng loại kháng sinh nào? Dưới đây là một số kinh nghiệm cần biết khi trẻ bị sốt.
Khi nào trẻ sốt thì được dùng kháng sinh?
Chúng ta biết rằng kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp nhất cũng có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn hoặc vi nấm (đối với kháng sinh chống vi nấm) và kháng sinh không có tác dụng đối với các loại virut. Như vậy, khi trẻ bị sốt mà nguyên nhân gây sốt không phải do vi khuẩn hoặc vi nấm thì không được dùng kháng sinh.
Khi trẻ bị sốt, bố mẹ của trẻ cũng nên nắm được một số nguy cơ cao làm cho trẻ có thể bị sốt mà không phải do nhiễm khuẩn như vừa đi ngoài nắng về hoặc mặc quần áo quá chật hoặc trẻ phải ở trong phòng kín, chật chội hoặc trẻ đang mọc răng hoặc do thay đổi thời tiết (chẳng hạn trẻ bị hen phế quản).
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tìm hiểu xem xung quanh hàng xóm có trẻ nào cũng bị sốt tương tự như con mình hay không, nếu có thì có nhiều trẻ sốt hay không. Tất cả các thông tin này rất có lợi để cung cấp cho bác sĩ khám bệnh biết, giúp cho việc chẩn đoán chính xác và thuận lợi hơn.
Khi được xác định là trẻ sốt do căn nguyên gì thì bác sĩ khám bệnh sẽ có chỉ định dùng kháng sinh hay không. Như vậy, việc dùng kháng sinh cho trẻ nhất thiết phải được chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc kháng sinh phải đạt được 3 mục tiêu: hiệu quả, an toàn và hợp lý. Người nào không có những hiểu biết cơ bản về kháng sinh và không hiểu được mục tiêu dùng kháng sinh mà vẫn dùng thì lợi bất cập hại cho trẻ.
Trong vấn đề dùng kháng sinh, người nhà của trẻ cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự động mua thuốc kháng sinh hoặc tự đổi thuốc, tự tăng hoặc giảm liều kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh.
Tự giảm liều hoặc chưa đủ ngày tức là chưa đủ lượng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, có khi mới dùng 2 – 3 ngày thấy trẻ hết sốt cứ tưởng là trẻ khỏi và ngừng việc dùng thuốc nhưng thật ra vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết hoặc thuốc kháng sinh chỉ mới ức chế sự tác động của vi khuẩn mà thôi, khiến bệnh không những không khỏi mà có khi làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh (nhờn thuốc). Nếu lần sau trẻ bị bệnh lại và cũng chính do loại vi khuẩn đó gây nên thì rất khó điều trị.
Hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh cũng còn có nguyên nhân do dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu, ví dụ dùng thế hệ 2 hoặc thế hệ 3 của nhóm cephalosporin thì những lần mắc bệnh nhiễm khuẩn sau này sẽ khó điều trị. Nếu dùng quá liều kháng sinh sẽ gây ngộ độc thuốc rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ vì thuốc kháng sinh ngoài tác dụng chính diệt vi khuẩn thì chúng còn có khả năng gây tác dụng phụ, do đó bác sĩ sẽ có sự cân nhắc và căn dặn khi cho trẻ dùng kháng sinh. Việc này người nhà của trẻ nếu tự động mua thuốc cho trẻ dùng thì không biết để loại trừ các tác dụng phụ.
Trong việc chỉ định dùng kháng sinh cho trẻ, bác sĩ còn biết nên dùng loại kháng sinh gì phù hợp nhất với từng loại vi khuẩn, nếu dùng sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Trong một số trường hợp, mặc dù sự viêm nhiễm là do virut nhưng bác sĩ vẫn phải cho dùng kháng sinh bởi vì bác sĩ thấy có hiện tượng bội nhiễm vi khuẩn làm cho trẻ bệnh nặng thêm hoặc mắc thêm một số bệnh khác.
Kháng sinh nào dùng được cho trẻ?
Do đặc điểm sinh lý của trẻ là sự phát triển chưa đầy đủ, cho nên sinh lý của trẻ rất khác với sinh lý của người trưởng thành và vì vậy không thể gọi “trẻ em là người lớn thu nhỏ lại”.
Có một số kháng sinh không thể dùng cho trẻ em ở một độ tuổi nhất định. Kháng sinh cấm dùng cho trẻ em trong một số độ tuổi nhất định như là tetracyclin. Tetracyclin được khuyến cáo là làm hỏng men răng; chloramphenicol có thể gây suy tủy dẫn đến thiếu máu; kháng sinh thuộc nhóm fluoroqinolon (ciprofloxacin, norfloxacin,…) làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của sụn xương.
Vì vậy không được dùng tetracyclin cho trẻ dưới 12 tuổi; không dùng fluoroquinolon cho trẻ dưới 16 tuổi và chloramphenicol cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (trẻ lớn hơn có thể dùng khi không có thuốc thay thế nhưng phải theo dõi về huyết học).
Theo việt báo