Viêm mũi xoang cấp thường gây ra do các tác nhân nhiễm khuẩn (vi khuẩn hoặc virus) với các triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi vàng đục (mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả 2), nghẹt tắc mũi và đau tức, sưng nề vùng mặt.
Triệu chứng viêm xoang mũi
Trong viêm mũi xoang mạn tính, nhiễm khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh, nhưng không rõ rệt như trong viêm mũi xoang cấp tính. Bốn triệu chứng chủ yếu của viêm mũi xoang mạn tính là:
- 1/Chảy nước mũi đục ở mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai.
- 2/Nghẹt hoặc tắc mũi.
- 3/Đau tức, sưng nề vùng mặt, đau đầu.
- 4/ Mất khả năng ngửi.
Để chẩn đoán bệnh cần sự xuất hiện của ít nhất 2 trong 4 triệu chứng kể trên. Đau căng tức vùng mặt và đau đầu là triệu chứng rất hay gặp, thường được mô tả là tình trạng đau âm ỉ ở vùng má trên, giữa 2 mắt hoặc trán. Chảy mũi trong viêm mũi xoang mạn tính thường là nước mũi trắng đục hoặc vàng nhạt, mặc dù nước mũi vàng đậm, xanh hoặc nâu cũng có thể gặp. Khứu giác có thể bị giảm sút một phần hoặc hoàn toàn và thường có liên quan với tình trạng dày niêm mạc hoặc mờ đục của xoang sàng trước. Đôi khi, tình trạng mất ngửi gây ra do thoái hóa dây thần kinh khứu giác.
Hình ảnh cấu tạo xoang.
Phân loại viêm xoang mũi
Trên lâm sàng, viêm mũi xoang mạn tính được chia thành 3 dưới nhóm là:
- 1/ Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi.
- 2/ Viêm mũi xoang mạn tính có kèm theo polyp mũi.
- 3/ Viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng nấm.
Viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi chiếm xấp xỉ 60% các trường hợp, nó có thể gây ra do sự phối hợp ở các mức độ khác nhau của nhiều yếu tố như dị ứng, bất thường về cấu trúc của mũi xoang hoặc nhiễm vi khuẩn, virus.
- Biểu hiện căng đau và sưng nề vùng mặt thường gặp trong thể viêm mũi xoang này hơn so với các thể khác.
- Các loại vi khuẩn thường phân lập được từ xoang là phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.
- Tắc nghẽn lỗ xoang thường là sự kiện khởi phát, gây ứ trệ dịch nhày trong xoang, hậu quả gây ra nhiễm khuẩn xoang.
- Về mô bệnh học, tăng sinh tuyến và xơ hóa dưới niêm mạc cũng là những đặc trưng của viêm mũi xoang mạn tính không có polyp mũi.
- Viêm mũi xoang mạn tính có kèm theo polyp mũi chiếm 20-33% các trường hợp, triệu chứng tương tự như trong thể viêm mũi trên nhưng biểu hiện giảm hoặc mất ngửi thường gặp hơn. Polyp cuốn mũi thường gặp ở cả 2 bên, nguyên nhân khởi phát gây polyp còn chưa được rõ.
- Viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng nấm đi liền với sự xuất hiện của dịch nhày có chứa các bạch cầu ái toan thoái hóa và bào tử nấm cùng với các bằng chứng của tình trạng dị ứng nấm gây ra do kháng thể IgE.
- Trên lâm sàng, bệnh nhân thường có polyp mũi, các triệu chứng thực thể cũng tương tự như các thể viêm mũi xoang mạn tính khác.
- Thường phải tiến hành phẫu thuật xoang để loại bỏ và lấy các dịch nhày này xét nghiệm nhằm thiết lập chẩn đoán xác định.