Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh phổ biến nhất trong các bệnh đường hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng dị ứng là thời tiết thay đổi, nhiễm trùng, di truyền, tiếp xúc với môi trường bệnh.
Các dạng viêm mũi dị ứng
– Viêm mũi dị ứng theo mùa: Yếu tố gây dị ứng thường gặp là phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời. Một người dị ứng với loại phấn hoa này cũng có thể dị ứng với nhiều loại phấn hoa khác.
– Viêm mũi dị ứng quanh năm: Yếu tố gây dị ứng thường là bụi trong nhà (hoặc bụi ngoài trời nếu bụi này có trong không khí quanh năm), lông chó mèo, con mọt (có trong không khí, da người, lông vật nuôi, chăn nệm, đồ chơi…). Con gián và các loài gặm nhấm trong nhà cũng được coi là nguyên nhân gây hen và viêm mũi dị ứng quanh năm.
– Viêm mũi dị ứng không thường xuyên: Xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa. Khi hết tiếp xúc thì không còn triệu chứng dị ứng. Dị ứng không thường xuyên còn có thể xảy ra đối với thức ăn. Trong trường hợp này, bệnh nhân còn có triệu chứng nổi mề đay, ngứa hoặc đau bụng, tiêu chảy.
– Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp: Do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng tại nơi làm việc (bụi phấn, bụi gỗ, lông thú, găng tay nhựa…).
Dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng
- Ngứa mũi (có thể kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng).
- Nhảy mũi (thường thành từng tràng dài liên tục).
- Chảy nước mũi.
- Nghẹt mũi (đôi khi gây mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ).
Có thể chẩn đoán chính xác viêm mũi dị ứng bằng cách xét nghiệm dịch trong mũi, hoặc tìm phản ứng dị ứng bằng cách tiêm một số kháng nguyên nghi ngờ vào da bệnh nhân (nếu nơi tiêm có quầng đỏ lớn hơn giới hạn bình thường thì đó là dị ứng). Một người có thể phản ứng dương tính với nhiều loại kháng nguyên.
Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng viêm mũi dị ứng khiến người bệnh luôn nhức đầu, buồn ngủ, khó chịu, uể oải, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa, viêm xoang, có polyp trong mũi…