Huyết áp thấp còn là dấu hiệu cho thấy tim không thể làm tròn chức năng đẩy máu đến mọi ngõ ngách trong cơ thể. Mạch máu ở càng xa trái tim, càng nhỏ li ti càng dễ thiếu dưỡng khí. Người có huyết áp quá thấp cỡ 90/60, hay tệ hơn nữa, 80/50 do đó hay mệt mỏi, chóng mặt, khó tập trung tư tưởng, mất ngủ, nhức đầu, tê tay chân như kiến bò…
Thế nào là huyết áp bình thường?
Huyết áp là áp lực của dòng máu trong hệ thống động mạch.Nhờ sự chuyển động của dòng máu này mà các tế bào của cơ thể nhận được oxy và các chất dinh dưỡng để duy trì sự sống. huyết áp được duy trì nhờ áp lực co bóp của cơ tim, còn gọi là cung lượng tim, thể tích máu trong cơ thể và độ co dãn của thành động mạch. Khi một trong các yếu tố trên bị rối loạn, bệnh nhân có thể bị cao huyết áp hay hạ huyết áp.
Huyết áp trung bình của mỗi người dao động trong khoảng từ 110- 120 mmHg đối với huyết áp tối đa và từ 70- 80 mmHg với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tối đa dưới 100 mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg, bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp.
Có hai tình trạng hạ huyết:
Hạ huyết áp cấp thường xảy ra với những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước, suy tim hay bị bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu và tùy nguyên nhân gây hạ huyết áp mà thầy thuốc chỉ định điều trị.
Hạ huyết áp mạn tính: Ở những người này, huyết áp thường xuyên thấp hơn 100mmHg đối với huyết áp tối đa. Bệnh nhân có thể có hoặc không có bất kỳ một sự khó chịu nào. Rất nhiều người chỉ phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay được đo huyết áp khi đi khám một bệnh nào khác không liên quan đến tim mạch.
Hạ huyết áp có nguy hiểm?
Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp cấp thì rất nguy hiểm và cần được nhập viện để điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt. Với tình trạng hạ huyết áp mạn tính thì hầu như không có gì là nguy hiểm, nhưng ở những người bị huyết áp thấp mạn tính thường xuất hiện những triệu chứng khó chịu như buồn ngủ, mỏi mệt, chóng mặt, hoa mắt hoặc thỉnh thoảng bị ngất xỉu; đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng này xuất hiện do giảm lưu lượng máu ở não, tim, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tình trạng hạ huyết áp mạn tính thường xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, tiểu đường hay bị bệnh thần kinh ngoại v.v… Do đó, nếu tình trạng hạ huyết áp mạn tính kéo dài và gây nhiều khó chịu, thậm chí phải nhập viện cấp cứu thì nên đi khám ở những thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và nội tiết để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị triệt để.
Người bệnh hạ huyết áp mạn tính nên ăn gì?
Việc đầu tiên là nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn sống với tốc độ quá nhanh, nên phải điều chỉnh lại nhịp sống và làm việc cho phù hợp với đồng hồ sinh học của bản thân. Nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng và giàu vitamin cũng như các yếu tố vi lượng như: vitamin A, kẽm, magien v.v… Có người cho rằng, bệnh nhân nên ăn mặn một chút để làm tăng khối lượng tuần hoàn trong cơ thể nhờ tác dụng giữ nước của muối, nhưng việc này cũng nguy hiểm vì sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.
Chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe như đi bộ, bơi lội hay tập yoga cũng rất tốt cho bệnh nhân bị hạ huyết áp mạn tính. Khi tập thể thao phải điều độ, thấy mệt hay có các triệu chứng khó chịu là nghỉ ngơi ngay. Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ huyết áp ở một số người.
Một điều rất quan trọng là cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện những trục trặc về sức khỏe mà có hướng điều chỉnh ngay từ đầu. Đây là khuynh hướng mới nhằm phòng tránh bệnh tật trong một xã hội hiện đại.