Chứng béo phì luôn luôn là một bệnh lý gây khó chịu đối với phái đẹp chúng ta, phụ nữ không thích béo phì không chỉ vì góc độ thẩm mỹ và sự bất tiện trong sinh hoạt mà béo phì còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nữ giới.
Đặc biệt, ở góc độ khoa học, người ta còn nhìn nhận béo phì là một trong những chứng bệnh có quan hệ khá “gần” với vô sinh ở nữ giới.
1. Béo phì gây rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, từ đó dẫn đến tình trạng khó thụ thai
Thực tế cho thấy chứng béo phì thường gây nên hiện tượng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (hành kinh không đều, lượng máu ra quá nhiều hoặc quá ít…) và liên quan mật thiết với hội chứng buồng trứng đa nang, tăng đề kháng insuline cùng những rối loạn nội tiết khác. Điều này ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến quá trình phát triển trứng và rụng trứng bình thường. Ngay cả khi trứng đã rụng thì tình trạng “thừa cân” của bạn cũng làm cho trứng khó có thể thụ tinh và làm tổ bình thường được. Cứ thế này thì khả năng vô sinh sẽ trở thành hiện thực nhanh thôi.
2. Béo phì tạo điều kiện cho viêm nhiễm “sinh sôi”, giảm khả năng sống của trứng và phôi thai
Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định rằng béo phì làm thay đổi thành phần mỡ trong máu, tăng khả năng viêm nhiễm ở phụ nữ, đồng thời làm giảm khả năng sống của trứng và phôi thai.
Nên nhớ sự phát triển của trứng chịu tác động trực tiếp của môi trường bên trong buồng trứng. Đối với cơ thể người có quá nhiều mỡ, môi trường xung quanh nuôi dưỡng cho trứng phát triển và môi trường noãn sào có sự thay đổi lớn so với người bình thường, đặc biệt hàm lượng các chất chuyển hóa và hoóc môn nam tăng rất cao. Điều đó kéo theo những chuyển hóa nhạy cảm của trứng, kết quả là sẽ gây nguy hại nghiêm trọng cho quá trình thụ thai. Thêm nữa, hiện tượng viêm nhiễm có thể làm hại các tế bào và nếu nó xảy ra với trứng thì sẽ tác động xấu đến sự “sống sót” của bào thai.
Không những vậy, chất lượng của phôi ở những phụ nữ mắc chứng béo phì cũng kém hơn bình thường. Quá trình thụ tinh và làm tổ trong tử cung cũng rất mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chuyển hóa, dẫn đến nhiều triệu chứng bất thường của căn bệnh vô sinh.
3. Béo phì khiến cho việc đáp ứng các kỹ thuật trị liệu chứng hiếm muộn ở phụ nữ trở nên kém linh hoạt
Trường hợp bạn đang trong giai đoạn điều trị hiếm muộn theo sự chỉ định và hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa mà cộng thêm chứng béo phì, cơ thể bạn chắc chắn sẽ có nhiều biến đổi ảnh hưởng không tốt tới việc điều trị, nhất là những biến đổi về nội tiết liên quan đến khả năng sinh sản của bạn. Theo đó, hiện tượng “thừa cân” quá mức khiến cho việc đáp ứng các kỹ thuật trị liệu chứng hiếm muộn ở phụ nữ trở nên kém linh hoạt. Nếu không tìm ra giải pháp khả thi thì rất có thể hiếm muộn sẽ nhanh chóng chuyển thành vô sinh.
4. Béo phì làm tăng các biến cố sản khoa, dẫn đến sẩy thai đối với phụ nữ mang thai
Bên cạnh tác động kích thích gia tăng các biến cố sản khoa, bao gồm nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi, tiền sản giật, thai chết lưu…, sự “phát triển” của chứng béo phì còn tỷ lệ thuận với khả năng sẩy thai ở phụ nữ mang thai. Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, tỷ lệ sẩy thai của thai phụ béo phì cao có thể là do bản thân chất lượng phôi kém như đã nói ở trên cộng với những thay đổi bất lợi của lớp nội mạc tử cung do béo phì gây nên. Tất cả đều làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
Vì vậy, hãy can thiệp trước khi “quá muộn”!
Tất nhiên không phải bất kỳ thai phụ béo phì nào cũng đều bị hiếm muộn hoặc vô sinh. Có điều nguy cơ hiếm muộn, vô sinh ở người mắc chứng béo phì luôn cao hơn người bình thường. Vì thế, trước khi “quá muộn”, bạn cần phải sớm tiến hành các phương án can thiệp bằng cách:
– Với những người đang “nuôi” ý định mang thai: hãy cố gắng giảm cân bằng các phương pháp an toàn, hiệu quả như tập thể dục đều đặn, thiết lập chế độ dinh dưỡng cho khoa học, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, sử dụng thuốc dành cho người béo phì…
– Với những người đang mang thai: can thiệp thường chỉ tập trung vào việc hạn chế tăng cân, kiểm soát cân nặng trong thai kỳ song song với việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi một cách hợp lý.
Nguồn: Mang thai