Hiện nay cùng với mức sống ngày một nâng cao, số người béo phì cũng một gia tăng không ngừng. Tình trạng béo phì đã và đang trở thành một nguy cơ đối với sức khỏe khi béo phì là nguyên nhân làm tăng các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đáo tháo đường.
Ảnh hưởng béo phì đến các hệ trong cơ thể
Chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa lipid: dẫn đến béo phì, rối loạn chuyển hóa glucid: dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa acid uric: có thể gây cơn gout cấp tính.
Tim mạch: cao huyết áp, suy mạch vành, suy tĩnh mạch, các biến chứng tim mạch khác…
Phổi: giảm chức năng hô hấp, hội chứng khó thở khi ngủ.
Xương khớp: khớp chịu lực cao như: đầu gối, khớp háng, cột sống thắt lưng dễ bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau lưng, đau thần kinh tọa, loãng xương.
Nội tiết: đái tháo đường không phụ thuộc insulin; sinh dục: giảm khả năng sinh sản; chu kỳ kinh kéo dài không phóng noãn, rậm lông, hội chứng buồng trứng đa nang.
Biến chứng khác:
– Da: nhiễm trùng, nhiễm nấm da ở các nếp gấp.
– Trong ngoại khoa: nguy cơ khi gây mê, hậu phẫu (viêm tĩnh mạch, bội nhiễm)…
– Trong nội khoa: nhiễm khuẩn nặng…
– Trong sản khoa: sinh khó…
– Ảnh hưởng tâm lý xã hội: béo phì làm cho thiếu tự tin, mặc cảm…
Chẩn đoán thừa cân béo phì
Dựa trên: cân nặng lý tưởng: là cân nặng phù hợp với lứa tuổi, giới, so với chiều cao. Cân nặng lý tưởng thay đổi tùy theo chủng tộc, địa lý và là một hằng số sinh lý chỉ phù hợp trong những điều kiện nhất định. Các phương pháp đánh giá cân nặng:
Cân nặng lý thuyết tính theo công thức Broca: cân nặng lý thuyết = chiều cao (cm) – 100. Thí dụ: một người cao 1,64m sẽ có cân nặng lý thuyết là: 164cm – 100 = 64kg.
Cân nặng lý tưởng = cân nặng lý thuyết X 0,9 (nam) hoặc 0,85 (nữ) và ± 2. Dư cân khi trọng lượng trên 10% cân nặng lý tưởng, mập > 20%. Chỉ số khối cơ thể: Body Mass Index (BMI): được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). BMI bình thường ở Nam là 23 – 25; nữ là 18,7 – 23,8. Theo WHO: BMI > 27 là béo phì, và BMI > 30 là béo phì bệnh lý. Phương pháp chung để giúp giảm cân là phải lâu dài, đạt được hiệu quả của sự giảm cân, không cần nhanh và nhiều mà phải đáp ứng được với sức khỏe và nhu cầu của bệnh nhân, mục tiêu là đạt được cân nặng hợp lý nhiều năm sau. Nên phối hợp nhiều phương pháp: giảm cung cấp calori, áp dụng các bài tập thể lực, tâm lý liệu pháp rất cần thiết, điều trị nội khoa, đôi khi cần phải điều trị bằng phẫu thuật đối với một số trường hợp đặc biệt. Khi chỉ định điều trị dùng thuốc bắt buộc phải thật thận trọng trước các bệnh nhân có béo phì đã lâu, ổn định, không biến chứng cũng không có yếu tố nguy cơ, không tiền sử gia đình về chuyển hóa. Chỉ định điều trị khẩn cấp khi có tăng huyết áp, suy tim, suy hô hấp, trầm cảm, hoặc khi có những xung đột cảm xúc cấp tính. Cần theo dõi đều đặn khi điều trị (thường là mỗi tháng) để có thể điều chỉnh điều trị.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ