Giảm cân sau sinh có lẽ là điều mà tất cả các bà mẹ trẻ đều quan tâm. Sau khi sinh em bé, không những cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn mà cơ thể cũng không còn được như xưa nữa.
Nhiều chị em lo sợ, vội vàng lao vào “chiến dịch” ăn kiêng với mong muốn lấy lại vóc dáng như thời còn son dỗi, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như ý muốn. Thậm chí có người phái mất đến một năm mới “hồi phục” lại hoàn toàn.
Giảm cân “cấp tốc” là điều mà các chị em không nên làm chút nào vì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé mới sinh.
Tại sao sau khi sinh, thân hình các chị em vẫn giống một bà bầu?
Có một thực tế mà những phụ nữ mới làm mẹ lần đầu cần phải biết, đó là thời gian đầu sau khi sinh, cơ thể bạn trông vẫn giống như đang mang bầu vài tháng vậy. Đây là một điều hết sức bình thường.
Từ thời điểm em bé của bạn chào đời, cơ thể đã bắt đầu làm việc để thu nhỏ vùng bụng lại, nhưng đây là một quá trình diễn ra rất chậm chạp. Phải mất 4 tuần để tử cung của bạn trở lại với kích thước bình thường của nó. Nhiều chị em trong 2 tuần đầu tiên sau khi sinh sẽ giảm được khoảng 8-20 pound (1 pao = 0,45kg) do cơ thể loại bỏ hết lượng chất lỏng thêm vào trong suốt thời kì “bầu bí”.
Phần hông và khu vực xương chậu cũng phải mất khá nhiều thời gian để có thể trở lại trạng thái ban đầu, do đó chẳng có gì là bất thường nếu như sau mọi nỗ lực mà bạn vẫn thất bại.
Giảm cân bằng cách nào?
Tập luyện nhẹ nhàng là biện pháp an toàn nhất và phù hợp nhất dành cho bà mẹ mới sinh để tránh bị thương. Ngay cả những người trước đây đã quen tập luyện cũng gặp không ít khó khăn khi quay trở lại.
Trước khi muốn thực hiện những bài tập nặng hơn, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn để đưa ra quyết định (nếu như bạn đã phải trải qua một ca sinh mổ khá vất vả, rất có thể phải đợi từ 4-8 tuần sau khi sinh bạn mới được tập luyện).
Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp bạn giảm cân bởi vì nó không chỉ tiêu thụ từ cơ thể bạn một lượng lớn calo mà còn giúp giảm bớt lượng chất béo. Mỗi ngày cơ thể người mẹ cần thêm 500 đơn vị calo để đảm bảo đủ lượng sữa cần thiết cho bé, do đó người mẹ không nên ăn kiêng trong giai đoạn này.
Ngoài ra, nếu người mẹ giảm cân quá nhanh, những độc tố mà cơ thể bài tiết ra có thể sẽ nhiễm vào sữa.
Có một tin vui dành cho các chị em, đó là bạn vẫn có thể tập luyện ngay cả khi đang cho con bú mà không sợ ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Những trở ngại trong quá trình luyện tập
Việc tập luyện trong vài tháng đầu tiên sau khi sinh có thể sẽ gặp phải một số trở ngại. Các chị em sẽ phải đối mặt với những nguy cơ sau:
– Mệt mỏi và kiệt sức: Nếu bạn đang cho con bú thì năng lượng của cơ thể bạn gần như cạn kiệt, bạn sẽ chẳng còn sức lực đâu mà tập luyện.
– Lịch trình thất thường: Trong vài tháng đầu tiên, thời gian đòi ăn của bé thay đổi liên tục, do đó rất khó để các bà mẹ có thể lên một thời khóa biểu tập luyện hàng ngày.
– Hạn chế thời gian tập: Thời gian tập luyện không thoải mái cũng ảnh hưởng không ít đến kết quả.
– Tâm trạng thất thường: Phụ nữ sau khi sinh thường có tâm trạng không ổn định do nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, thậm chí có người còn mắc phải hội chứng trầm cảm sau sinh. Việc tập luyện hàng ngày có thể giúp chị em cải thiện tâm trạng.
– Cảm giác tội lỗi: Nhiều bà mẹ cảm thấy mình ích kỉ khi dành thời gian cho bản thân thay vì ở bên chăm sóc con. Nhưng bạn cần biết rằng, chăm sóc bản thân cũng đồng nghĩa với việc bạn đang làm tất cả những gì tốt nhất cho con.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tập thể dục, các bà mẹ trẻ có thể áp dụng những biện pháp đơn giản sau đây:
– Chia nhỏ thời gian tập luyện: do hạn chế về mặt thời gian, bạn nên tập luyện nhiều lần trong ngày (bất cứ khi nào có thể) vì hiệu quả cũng tương tự như một lần tập kéo dài.
– Tập những bài tập đơn giản: Trong thời gian em bé đang ngủ, bạn có thể tranh thủ đi lại xung quanh nhà hay lên xuống cầu thang. Tập luyện không hề phức tạp như mọi người vẫn nghĩ, nó chỉ đơn giản là làm cho cơ thể bạn vận động mà thôi.
– Tập trung vào những điều quan trọng hơn: Bạn không nên quá căng thẳng cũng như tự tạo áp lực cho bản thân mình. Hãy nghĩ rằng, cho dù nhanh hay chậm thì cuối cùng bạn cũng sẽ trở lại như bình thường. Hãy dành thời gian để chăm sóc cho bé yêu của bạn- đó mới là điều quan trọng nhất.
T.H (Theo About)