Với chủ đề “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ chính số tuổi của mình”, ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới 17-5 một lần nữa nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chớ xem thường tăng huyết áp
Tỉ lệ tăng huyết áp ở những người trưởng thành là 25,1% và cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, trong đó 52% không biết mình bị bệnh, 30% biết nhưng không điều trị… Đó là kết quả từ điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, TP, được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết hôm 15-5.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh tăng huyết áp là “kẻ giết người số một” và theo ước tính thì đã có khoảng 1,5 tỉ người trên thế giới bị tăng huyết áp; đây là bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới và là một trong 6 yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng tới phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Ở nước ta, thống kê vào năm 1960 cho thấy tần suất tăng huyết áp ở người lớn phía Bắc chỉ là 1% nhưng chỉ hơn 30 năm sau (1992), tỉ lệ này đã là 11,7% và năm 2002 thì tỉ lệ này đã là 16,3%. Ước tính nước ta đang có khoảng 6,85 triệu người bị tăng huyết áp và nếu không có các biện pháp hữu hiệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người mắc.
Một điều tra với người dân của nước ta cho thấy tăng huyết áp chiếm tới 59,3% các nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não. Theo niên giám thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc tai biến mạch máu não là 47,6/100.000 dân. Như vậy, với chi phí trực tiếp để điều trị tai biến mạch máu não ở nước ta là khoảng 144 tỉ đồng/năm thì riêng hậu quả do tăng huyết áp gây ra đã ước khoảng 85 tỉ đồng, chưa kể đến các biến chứng của tăng huyết áp là rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa…
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp nhưng theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (mặn, nhiều chất béo…), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống… là những nguyên nhân rất đáng phải quan tâm vì phần lớn là có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh.
Điều đáng lo ngại là hiện các hoạt động y tế ở nước ta cơ bản mới chỉ tập trung cho việc điều trị bệnh tại các bệnh viện chứ chưa có mô hình dự phòng, ghi nhận và quản lý bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng… Cho nên, các chuyên gia y tế khuyên rằng chính bản thân mỗi người nên có lối sống hợp lý và “hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ chính số tuổi của mình” để biết điều chỉnh ngay khi huyết áp tăng bất thường.
Bác sĩ Lê Huỳnh (Trường ĐH Y Dược TPHCM)