Hen suyễn bao gồm một số triệu chứng như khò khè, ho , nặng ngực …
Những ai bị hen suyễn mới có thể hiểu hết được sự sợ hãi, stress và sự khó chịu của những cơn hen suyễn mang lại. Các cơn hen suyễn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với rất ít triệu chứng báo trước. Dưới đây là một số triệu chứng chính của bệnh.
Mục lục
Cơ chế gây bệnh hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh viêm mãn tính của đường hô hấp. Khi đường thở bị viêm nhiễm, sưng phù, tiết dịch nhầy, co thắt khi gặp các chất kích thích gây cản trở không khí đi vào phổi khiến bệnh nhân bị thiếu oxy, khó thở thì đó là khi mà xuất hiện bệnh hen suyễn.
2 cơ chế chính dẫn đến cơn hen suyễn bao gồm:
- Cơn co thắt đường dẫn khí: Các cơ quanh đường dẫn khí siết chặt hay thắt chặt lại với nhau, sự co thắt này còn được gọi là “co thắt phế quản”và có thể gây cản trở không cho không khí được hít vào hay thở ra tại phổi.
- Viêm đường dẫn khí: Tình trạng viêm đường dẫn khí làm cho đường dẫn khí sưng nhiều hơn và kích ứng khi bắt đầu có hen suyễn. Viêm có thể làm giảm lượng không khí mà bạn có thể hít vào hay thở ra. Trong một số trường hợp, các tuyến nhầy trên đường dẫn khí tiết quá nhiều chất nhầy đặc và hệ quả là làm tắc nghẽn đường dẫn khí khiến cho người bệnh có cảm giác ngạt thở mặc dù có thể lúc đó họ đang ở nơi đầy không khí.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn?
Khác với các căn bệnh về viêm đường hô hấp khác như: viêm phế quản, viêm phổi hay lao, hen suyễn không phải là bệnh lây nhiễm. Có 2 nhóm người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn đó là:
(1) Liên quan đến yếu tố gia đình: nếu một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có ba và mẹ không bị hen suyễn thì nguy cơ bị bệnh suyễn của đứa trẻ đó rất thấp (khoảng 10%), nếu bố hoặc mẹ bị hen suyễn thì nguy cơ con bị bệnh là 25%, còn nếu cả bố và mẹ đều bị hen suyễn thì con có nguy cơ đến 50% mắc bệnh hen suyễn.
(2) Liên quan đến cơ địa dị ứng: những người bị chàm, mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn người bình thường.
Ngoài ra, những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi và hóa chất như giáo viên, công nhân xây dựng, người khai thác khoáng sản,… cũng rất dễ trở thành đối tượng của bệnh hen suyễn.
Triệu chứng bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn tuy là căn bệnh không thể chữa được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh. Các triệu chứng bệnh hen suyễn thường thay đổi theo thời gian nên chúng ta cần gặp bác sĩ định kỳ để được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng, kết hợp điều chỉnh điều trị nếu cần. Cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh hen suyễn dưới đây để phát hiện sớm và chủ động đi khám.
Ho mãn tính, dai dẳng
Ho là phản ứng của cơ thể nhằm đẩy các chất bài tiết hoặc các dị nguyên từ môi trường như phấn hoa, bụi, khói thuốc lá… ra ngoài. Một số bệnh như nhiễm khuẩn xoang mũi, cảm lạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến biểu hiện ho nhưng ho ở người bị hen suyễn có thể kéo dài và hay xảy ra hơn. Thêm nữa, ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn suyễn ban đêm khi đó bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Thở khò khè
Một đặc điểm dễ nhận thấy của người bệnh hen suyễn đó là thở khò khè, cảm giác như có tiếng rít trong hơi thở. Tiếng rít khò khè là âm thanh không khí tạo thành khi không thể đi qua phổi một cách bình thường và biểu hiện này dễ gặp hơn khi thời tiết trở lạnh. Do đó, để nắm bắt tình trạng bệnh kịp thời bạn nên theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể khi tập thể dục trong những điều kiện nhiệt độ khác nhau.
Hay hắng giọng
Hắng giọng là hành động đẩy dịch nhầy mắc kẹt trong cổ họng. Trong cổ họng, hốc mũi và các xoang đều có màng nhầy, khi bị kích thích, nước nhầy sẽ tiết ra nhiều hơn. Việc dịch nhầy bị kích thích trong cổ họng và các bộ phận khác có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Hụt hơi ngay cả khi vận động nhẹ
Sau khi vận động bạn phải ngồi xuống và nín thở mới có thể tiếp tục làm việc khác thì có thể bạn đã bị hen suyễn. Bạn có thể gặp phải biểu hiện này ngay cả khi vận động nhẹ.
Luôn cảm thấy mệt mỏi
Người bệnh hen phế quản thường bị rơi vào cảm giác mệt mỏi vì tình trạng thở mệt nhọc, nhịp thở không đều, thở khò khè khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ khí oxy.
Kém thích nghi với trời lạnh
Thời tiết lạnh dễ gây ảnh hưởng đến các bệnh về đường hô hấp và bệnh hen suyễn cũng vậy. Dù là ban đêm hay ban ngày thì người bệnh hen suyễn khi ở thời tiết lạnh cũng dễ bị ho, sổ mũi, ngạt mũi, khó thở, thở khò khè. Hoặc là người bệnh thường bị hắt hơi liên tục, cảm, ho, sổ mũi vào đúng 1 thời điểm cố định trong năm (nhất là khi giao mùa hoặc vào mùa đông). Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa bạn dễ cảm lạnh kéo dài, bệnh không thuyên giảm ngay cả khi đã sử dụng nhiều biện pháp giải cảm và dùng các loại thuốc cảm khác nhau.
Dễ bị dị ứng
Khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, dị ứng thời tiết nhất là khi giao mùa sẽ dễ khiến người bệnh hen suyễn bị dị ứng hơn so với người bình thường. Hoặc một số món ăn lạ: măng tây, thức ăn có tính nóng, đồ hộp, hải sản… cũng khiến cho người bệnh dễ bị dị ứng.
Dấu hiệu chứng tỏ bệnh nặng hơn
Khi mà bệnh hen suyễn trở lên tồi tệ hơn thì các biểu hiện của bệnh thường xuyên xảy ra và với cường độ mạnh hơn và gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Những dấu hiệu sau sẽ phần nào nói đến được mức độ nghiêm trọng của bệnh:
- Triệu chứng bệnh xảy ra thường xuyên và gây khó chịu hơn.
- Tăng mức độ khó thở
- Nhu cầu sử dụng máy trợ giúp thở, ống hít nhanh chóng thường xuyên hơn.
Đối với một số người, dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn bùng phát trong những tình huống nhất định:
– Hen suyễn do tập thể dục, có thể nặng hơn khi khi trời lạnh.
– Hen suyễn được kích hoạt bởi các chất kích thích tại nơi làm việc như khí hóa học, bụi.
– Hen suyễn dị ứng, được kích hoạt bởi các chất trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, nấm mốc, chất thải, ô nhiễm không khí, khói thuốc, bụi…
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh hen suyễn?
Nếu nghi ngờ hoặc có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh hen suyễn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán. Khi đó, ngoài việc thăm khám bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn đo chức năng phổi bằng máy hô hấp ký hay lưu lượng đỉnh kế.
Hiện nay, hô hấp ký vẫn là công cụ để chẩn đoán hen suyễn có giá trị và được chấp nhận như là tiêu chuẩn vàng. Sử dụng phương pháp chẩn đoán này bạn sẽ được cho ngậm một ống thổi và sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn cách hít vào thở ra.
Khi có kết quả khám bác sĩ sẽ phân tích xe bạn có bị tắc nghẽn đường thở hay không, mức độ tắc nghẽn nặng hay nhẹ. Dựa vào kết quả này kết hợp với việc khám lâm sàng và những triệu chứng gặp phải mà bạn cung cấp các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận rằng bạn có bị hen suyễn hay không.
Cần làm gì khi bị hen suyễn?
Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Dù là điều trị bất kỳ căn bệnh nào thì việc tuần thủ đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng sử dụng thuốc là tiền đề quan trọng.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như aspirin, thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen, naproxen,… thậm chí cả thuốc nhỏ mắt nên người bệnh cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối tránh việc tự ý mua thuốc, sử dụng sai thời gian hoặc sai liều dùng.
Tránh các tác nhân gây hen suyễn
Các tác nhân thường gặp gây ra bệnh hen suyễn rất nhiều quanh cuộc sống của chúng ta. Cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất là hãy tránh xa các tác nhân gây ra căn bệnh này:
– Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Lông chó mèo, chim cảnh… là tác nhân gây bệnh viêm mũi, hen suyễn. Vì vậy, khi bị bệnh chúng ta cần tránh xa những tác nhân này nó sẽ làm cho biểu hiện của bệnh nghiêm trọng hơn.
– Đeo khẩu trang khi ra đường: Đeo khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc với môi trường khói bụi không chỉ tốt cho người bệnh hen suyễn mà còn giúp mọi người tránh xa được các nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp do tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
– Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Những người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này.
– Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên hen suyễn đơn giản, dễ thực hiện.
Tập thể dục và bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng
Tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng hợp lý giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh và tăng sức đề kháng phòng chống bệnh tật.
Thực đơn hàng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, chất xơ,… Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh,…
Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Khi tập thể dục, ngoài các cơ thì phổi sẽ được gia tăng sức mạnh, ngăn ngừa những cơn hen suyễn xảy ra. Tuy nhiên bạn cần tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân, tránh những nơi tập luyện có nhiều khói bụi.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh
Không khí lạnh là một trong những tác nhân dễ gây ra những đợt hen suyễn cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, vào lúc thời tiết giao mùa hay trở lạnh, bạn hãy giữ ấm cơ thể bằng cách chuẩn bị cho mình những chiếc găng tay, tất, khăn, mũ, áo khoác dày để bảo vệ cơ thể.
Theo thống kê, gần một nửa số người mắc hen suyễn phát bệnh trong độ tuổi trưởng thành. Việc nhận biết rõ các triệu chứng để điều trị kịp thời là việc làm hết sức cần thiết. Vì vậy, khi thấy có những dấu hiệu lạ nghi ngờ là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, bạn nên đến gặp bác sỹ để được tư vấn làm rõ nguyên nhân và có hướng điều trị sớm.