Tiểu đường được xem là “đại dịch” ở các nước đang phát triển, gắn liền với nhiều biến chứng ở các cơ quan như não, thần kinh, thận mắt, mạch máu và đặc biệt là tim mạch. Việc biết trước các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sẽ giúp chủ động ngăn ngừa biến chứng.
Những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường đã được chẩn đoán xác định, cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm sau đây:
- Đường huyết cao trên 15 mmol/L;
- Triệu chứng khát nước nhiều, đi tiểu nhiều tăng lên;
- Đau chân khi đi lại;
- Vã mồ hôi, run chân tay;
- Đau bụng, nôn, buồn nôn;
- Có các biểu hiện của biến chứng như lú lẫn, ý thức chậm chạp hoặc hôn mê, sốt kéo dài, tê chân tay, loét chân, đau ngực, khó thở, tiểu ít, phù, mờ mắt, liệt, ho kéo dài…
Ngoài ra cũng cần chú ý đến các biến chứng nặng có tính chất cấp cứu của những bệnh nhân tiểu đường để xử trí kịp thời như:
- ôn mê tăng thẩm thấu: Bệnh nhân tiểu đường đang điều trị có thêm các tình trạng làm mất nước như sốt, dùng thuốc lợi tiểu, uống ít nước do một lý do nào đó… hoặc dùng thuốc làm tăng đường huyết như steroid…
- Bệnh nhân có biểu hiện khát nước tăng lên, ý thức chậm chạp, ngủ nhiều rồi đi dần vào hôn mê.
- Hôn mê nhiễm toan-ceton: Bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin tự ý bỏ thuốc hoặc có thay đổi chế độ dùng thuốc như do nhầm lẫn, hay có thêm biểu hiện của bệnh nhiễm trùng, chấn thương. Biểu hiện của tình trạng cấp cứu là bệnh nhân tiểu nhiều, buồn nôn và nôn, đau bụng, ý thức chậm chạp dần rồi đi vào hôn mê.
- Hôn mê hạ đường huyết: Đây là tình trạng bệnh nhân bị hạ đường huyết do uống thuốc hay tiêm thuốc insulin quá liều hoặc dùng thuốc đúng liều nhưng bệnh nhân bỏ ăn, ăn ít; hoạt động thể lực nhiều hơn ngày thường.
Triệu chứng xảy ra bao gồm ý thức chậm chạp, lú lẫn, vã mồ hôi, run chân tay, cảm giác đói dữ dội và nặng thì gây hôn mê.
Những bệnh nhân tiểu đường khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở trên phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không được tự ý chăm sóc bệnh tại nhà để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tiểu đường?
- Tập luyện thể dục thường xuyên, nhất là đi bộ. Những người có thói quen luyện tập thể dục thường xuyên, nhất là đi bộ ít có nguy cơ mắc tiểu đường hơn người lười tập thể dục đến 70%. Chỉ cần tăng thêm 1 phút luyện tập mỗi ngày cũng giúp bạn giảm đến 14% nguy cơ mắc bệnh. Thời lượng bạn nên luyện tập mỗi tuần là 150 phút.
- Dùng gạo ngũ cốc chưa qua tinh chế. Gạo và bột ngũ cốc nguyên chất có khả năng ổn định lượng đường trong máu và tạo điều kiện thuận lợi cho insulin- một chất có tác dụng ngừa bệnh tiểu đường hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn.
- Tránh tối đa bệnh cao huyết áp bằng chế độ ăn phù hợp. Huyết áp cao là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh tiểu đường sau đó. Hãy cố gắng kiểm soát huyết áp của mình bằng cách sử dụng hạn chế chất sodium (có nhiều trong muối, các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh). Đồng thời nên tăng cường các thực phẩm giàu kali như chuối, nước cam vắt, bông cải xanh và khoai tây, các sản phẩm bơ sữa có hàm lượng chất béo thấp , các loại đậu, hạt khô để ổn định huyết áp.
- Ăn nhiều lần thay vì ăn no nê nhưng ít lần trong ngày. Nếu chia nhỏ hơn nữa 3 bữa ăn của bạn trong ngày- thành từ 4 đến 7 bữa, sẽ giúp cơ thể kiểm soát và ổn định lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
- Ổn định trọng lượng cơ thể. Béo phì là một trong những nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh tiểu đường. Chỉ cần giảm trọng lượng cơ thể từ 5-7%, những người béo phì sẽ giảm nguy cơ mắc tiểu đường đến 58%.
- Ăn nhiều chất xơ :Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bởi nó có thể hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.
- Bổ sung thêm ngũ cốc : Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn ngũ cốc như là một thành phần chủ đạo trong bữa ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn bổ sung bánh mì hay các loại bánh được chế biến từ bột mì cũng đem lại tác dụng như ý.
- Hạn chế đường, chất béo và cácbon-hydrat : Cơ thể chúng ta có khả năng hòa tan nhiều loại thức ăn khác nhau theo những tỷ lệ khác nhau: mất từ 5 phút – 3 giờ để tiêu hóa cacbon – hydrat (có nhiều trong khoai tây), 3 – 6 giờ để tiêu hóa protein và phải mất 8 giờ hoặc hơn để “tiêu thụ” hết. Đó là lý do tại sao các loại thức ăn khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới hàm lượng đường trong máu (ví dụ ăn kem sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu nhanh hơn so với ăn khoai tây). Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường không nhất thiết phải kiêng vĩnh viễn đồ ngọt. Có điều bạn nên hạn chế và ăn có điều độ.
- Luyện tập thể dục, thể thao : Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.
- Bỏ thuốc lá : Nếu bạn là “đệ tử” của thuốc lá, việc điều trị bệnh sẽ gặp bất lợi. Người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thường bị tắc mạch ngoại vi, nhất là ở các chi. Hút thuốc lá càng làm mạch chi bị tắc nhiều hơn, trong trường hợp xấu, đôi khi phải dùng đến thủ thuật cắt cụt chân.
TƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh