Co giật do sốt cao là hiện tượng chỉ xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên rất nhanh trong một thời gian ngắn, thường gặp ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi. Hiện tượng co giật rất có hại cho cơ thể và não của trẻ do thiếu oxy não, nhất là nếu cơ cơn co giật trẻ thường kèm nôn mửa.
Nếu người lớn không biết xử trí kịp thời và đúng cách thì trẻ có thể bị tử vong do tắc thở vì ngạt, vì hít phải chất nôn hoặc bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và đường thở gây tổn thương ở phổi.
Nhận biết cơn co giật do sốt cao và cách sơ cứu
Cơn co giật xuất hiện khi trẻ đang sốt cao trên 39oC, có tính chất lan tỏa toàn thân (hai tay, hai chân, mình và đầu). Thời gian co giật ngắn dưới
40 phút. Sau cơn co giật trẻ sẽ ngủ. Nên đánh thức trẻ tỉnh dậy ngay nếu không sẽ rơi vào trạng thái li bì, mê man, hôn mê, gọi hỏi không biết.
Cách sơ cứu lại trẻ co giật sốt cao: đặt trẻ nằm xuống giường hoặc phản bằng phẳng để đề phòng khi co giật trẻ có thể bị ngã hoặc va đập vào vật cứng. Tốt nhất là nên cởi bỏ hết quần áo cho trẻ, nếu không được thì nên nới rộng quần áo, nhất là vùng cổ.
Dùng khăn bông mềm nhúng vào nước ấm, vắt hết nước, lau khô khắp người cho trẻ, nhất là vùng nách, bẹn, trán, lau đi lau lại nhiều lần như thế cho đến khi trẻ hết giật. Vì trẻ co giật không uống được thuốc nên càng nhanh chóng đặt thuốc hạ nhiệt đường hậu môn: trẻ dưới 12 tuổi dùng viên paracetamol 80mg, trẻ lớn hơn dùng viên 150mg. Đợi khi trẻ ngừng co giật thì lật trẻ nằm nghiêng sang một bên ngay đầu trẻ ở vị trí an toàn, hơi ngửa ra sau để tránh trào ngược dịch nôn trớ của trẻ vào phổi gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay để tìm và điều trị nguyên nhân, tránh co giật tái phát do sốt cao trở lại.
Một số điều cần tránh
Không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách ghì thật chặt vì có thể sẽ gây tổn thương ở một số bộ phận của cơ thể hoặc có thể làm gãy xương trẻ. Không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì vì có thể gây sặc cho trẻ. Không được dùng vật cứng để ngang mồm trẻ vì sợ trẻ cắn vào lưỡi bởi trẻ rất ít khi cắn vào lưỡi trong cơn co giật. Nếu trẻ cắn vào lưỡi cũng không gây nguy hiểm bằng việc gang vào mồm trẻ bằng vật cứng sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sụt lợi trẻ. Không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ mặc dù trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run, cần phải tìm cách hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể và môi trường xung quanh. Đó là biện pháp tốt nhất và an toàn nhất để đề phòng và cắt cơn co giật cho trẻ.
Phòng chống cơn co giật khi trẻ bị sốt cao
Thông thường khi trẻ bị nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virút, ký sinh trùng…), cơ thể trẻ bị sốt nóng. Ở trẻ em thân nhiệt bình thường nằm trong khoảng 37 – 37,5oC, khi lên đến 38oC là có sốt. Với mức sốt 38 – 38,5oC, cơ thể chịu đựng nhưng khó có thể chịu đựng nổi khi nhiệt độ trên 39 – 400C gây mất nước và các chất điện giải, gây rối loạn thần kinh và co giật. Khi cơn co giật do sốt cao ở trẻ nếu đã xảy ra thì rất hay tái phát. Điều này gây hoang mang rất nhiều cho các bậc cha mẹ, đồng thời cũng gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Vì thế, khi trẻ có biểu hiện sốt cao cần đưa trẻ đi khám ngay để tìm nguyên nhân điều trị kịp thời.
Trong khi trẻ bị sốt cần cho uống nhiều nước, tốt nhất là nước ORS hoặc cho trẻ bú nhiều hơn, cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không bao giờ được bọc kín hay ủ ấm trẻ. Phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ, bằng cách đo nhiệt độ cho trẻ khi trẻ sốt. Có 4 vị trí có thể đo nhiệt độ cho trẻ: nếu kẹp nhiệt kế vào nách trẻ thì phải cộng thêm 0,50C nữa. Nếu đặt nhiệt kế trong hậu môn, cách này chính xác nhất, chỉ cần 1 – 2 phút là đọc được kết quả. Nếu cho nhiệt kế ngậm trong miệng, cách này dễ đặt nhưng phải để 7 – 10 phút mới đọc kết quả; nếu lấy nhiệt độ ở tai có thể đọc kết quả nhanh nhưng nếu có viêm tai thì khó chính xác.
Theo BS.CKII. NGUYỄN ĐỨC LÊ _ SKDS