Nhiều bà mẹ rất băn khoăn khi cho con đi nhà trẻ, cứ vài ngày, vài tuần lại thấy con bị ốm (viêm mũi, họng) và phải nghỉ học. Đây có phải là do lây từ các bạn hay là do con mình sức đề kháng yếu… Thực ra đây cũng chính là quá trình thích nghi cần thiết.
Mục lục
Tại sao trẻ hay bị viêm mũi họng?
Mũi và hầu là đường không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể. Không khí hít vào đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Trẻ dưới 3 tuổi có thể viêm mũi 4 – 6 lần trong một năm, tần số có thể tăng lên trong thời kỳ bé đi nhà trẻ, mẫu giáo sau đó giảm dần.
Chính vì vậy chúng ta không nên quá lo lắng khi thấy con đi trẻ vài ngày lại phải nghỉ vài ngày vì ho, sổ mũi. Đây cũng chính là quá trình thích nghi cần thiềt để cơ thể trẻ có đủ khả năng miễn dịch. Tuy nhiên viêm mũi sẽ trở thành bệnh lý khi tái phát quá nhiều lần hoặc đưa đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai…
Viêm mũi ở trẻ em chủ yếu là do virut. Khởi đầu virut xâm nhập làm rối loạn hoạt động bình thường của mũi và làm suy yếu sự đề kháng tại chỗ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, đưa đến sự bội nhiễm vi khuẩn. Cụ thể, bé bị viêm mũi họng do các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân do môi trường sống
- Thời tiết thay đổi thất thường sáng nắng tối mưa ẩm, nhiệt độ hạ thấp nhanh
- Khói bụi ngoài môi trường, khói thuốc lá, thuốc lào
- Trẻ mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo… tiếp xúc với môi trường mới.
- Trẻ mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm cũng bị giảm sức đề kháng
- Do lông vật nuôi trong nhà, môi trường sống ẩm mốc…
Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nấm
- Virus: cúm, sởi, Adenovirus… là nhứng loại virus gây bệnh dễ xâm lấn vào cơ thể bé để gây bệnh
- Vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu, liên cầu… Trong đó, nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) rất dễ gây nên biến chứng: viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp.
Trẻ bị viêm mũi họng có những biểu hiện gì?
Đầu tiên trẻ bị viêm mũi họng gặp phải các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, kèm theo các sốt hoặc sốt cao có thể lên đến 39 – 40 độ C, chảy nước mũi (nước mũi ban đầu loãng và trong, không màu không mùi, sau đó có thể đặc lại và bắt đầu chuyển sang màu xanh, có mùi tanh). Còn với những đứa trẻ lớn hơn sẽ cảm nhận được cơ thể bị nhức mỏi tay chân và cả người, cơ thể có cảm giác ớn lạnh, ho khan sau đó có đờm, ăn ngủ kém do khi mũi bị viêm sẽ sinh ra dịch chảy xuống họng khiến họng bị viêm họng, họng sưng đỏ… Trẻ bị viêm mũi họng nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà trẻ bị viêm mũi họng còn gặp phải một số biểu hiện sau:
- Trường hợp viêm mũi họng cấp do virus sẽ có các biểu hiện như: chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng virus, viêm kết mạc…
- Nếu trẻ có ít nhất một trong các dấu hiệu sau thì nên nghĩ đến viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A: họng đỏ, amidan sưng và có chất xuất tiết trắng, sưng đau hạch cổ, sốt trên 38.5 độ C…
Các biểu hiện kéo dài 5-7 ngày rồi thuyên giảm, nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng có những biến chứng của viêm mũi.
Các biến chứng có thể gây nguy hiểm
Theo số liệu nghiên cứu của các chuyên gia, có tới hơn 80% các trường hợp trẻ bị bệnh viêm mũi họng do virus gây nên. Khi nhiễm bệnh vài ngày sức đề kháng của trẻ yếu dần, đặc biệt là đối với những trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính như hen phế quản, viêm VA thì có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Trẻ sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt thường gặp nhất là viêm tai giữa, trẻ sốt cao, trẻ lớn sẽ kêu đau trong tai, nghe kém, trẻ nhỏ hay dụi vào tai, nặng hơn là chảy mủ tai, viêm xoang hàm cấp ở trẻ lớn và viêm thanh quản cấp (tiếng khóc bị khàn, trẻ khó thở), viêm phế quản, viêm phổi (trẻ thở mệt, khò khè). Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải một số các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm tim
- Sốt cao có thể co giật
- Nhiễm khuẩn huyết
- Thấp khớp cấp
Xử trí khi trẻ bị viêm mũi họng
Vệ sinh mũi họng cho trẻ
Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau mũi cho trẻ bằng khăn mềm và rửa mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 4 – 5 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi. Trường hợp dịch mũi đặc, có kèm nhiều rĩ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm vào, làm mềm rỉ mũi rồi có thể nhẹ nhàng dùng tay day day hai bên cánh mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra, dùng tắm bông hoặc khăn mềm lau đi.
Nếu dịch mũi của trẻ tiết ra quá nhiều và đặc, có thể cần dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, lưu ý không nên lạm dụng dụng cụ hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực, gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không được dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ vì không đảm bảo vệ sinh, thậm chí còn lây thêm vi khuẩn từ miệng sang cho trẻ.
Sau khi dùng khăn giấy mềm lau mũi, dãi thì vứt bỏ ngay. Không nên dùng khăn xô trở mặt khăn và dùng lại khăn cũ vì vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn. Lưu ý: khi trẻ bị viêm mũi họng có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Với những trẻ lớn cần dạy trẻ biết cách hỉ mũi đúng (bịt một bên, hỉ mũi bên kia). Đặc biệt theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị kịp thời.
Đặc biệt chú ý khi trẻ đang bị viêm mũi bỗng nhiên thấy sốt cao phải đề phòng viêm tai để dùng kháng sinh toàn thân ngay. Nếu có chảy mủ tai phải được xử trí kịp thời bằng đặt dẫn lưu để tránh biến chứng thủng màng nhĩ.
Cách hạ sốt cho trẻ
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5o C, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và thuốc hạ sốt.
Dùng khăn bông cho vào nước ấm (bằng thân nhiệt của trẻ 37 – 40oC) vắt ráo, lau khắp người trẻ và xếp các khăn này để vào hai bên nách và bẹn, đổi khăn lần lượt đến khi nhiệt độ của trẻ dưới 38oC thì không cần lau mát mà cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, nơi trẻ nằm phải thoáng, tránh gió mạnh, tránh quạt và vẫn phải theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Dùng thuốc hạ sốt nhóm paracetamol. Ngoài ra cho trẻ uống nhiều nước vì sốt làm mất nước.
Khi nào cần đưa trẻ viêm mũi họng cấp đi viện?
Các bậc cha mẹ cần chú ý khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau thì cần mang con đi viện càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng nặng nề:
- Trẻ sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm không hạ sốt.
- Trẻ ho nhiều, nhịp thở nhanh, có biểu hiện khó thở
- Trẻ có biểu hiện nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
- Trẻ bắt đầu có chảy mủ ở tai.
- Tất cả các triệu chứng bệnh của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
Chế độ ăn của trẻ bị viêm mũi họng
- Cần bổ sung cho bé những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, nên chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa nên ít hơn bình thường, không ép trẻ ăn hết phần thức ăn mà cha mẹ đã chuẩn bị.
- Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho theo phương pháp dân gian, chú ý vệ sinh khi chế biến.
- Dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ em
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.
- Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng cho trẻ sau khi ăn, trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy.
- Bỏ thói quen cho tay lên miệng ngậm, cho tay vào ngoáy mũi vì đây là thói quen khiến trẻ dễ bị viêm mũi họng. Cha mẹ nên giúp trẻ tránh thói quen xấu này.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh tái phát nặng hơn:
- Không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, không dùng lại đơn thuốc cũ của lần khám trước.
- Không tự ý nhỏ các thuốc có thành phần co mạch kéo dài cho trẻ.
- Đảm bảo môi trường sống trong lành, tránh khói bụi, ẩm mốc…
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây: người lớn hoặc trẻ em bị bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm mũi họng trẻ em có nguyên nhân hàng đầu là do virut, do trẻ bị nhiễm lạnh. Vì vậy bệnh có xu hướng tăng lên khi thời tiết thay đổi. Do vậy, để phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ một cách hiệu quả nhất thì cha mẹ nên giữ ấm cho con mình khi thời tiết thay đổi, giữ ấm cho con khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ ngực của con và thoáng mát cho cơ thể bé khi mùa hè nóng nực.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước bởi vì trẻ thường đổ mồ hôi nhiều, tránh uống nước đá, nước lạnh, tránh nơi có khói thuốc lá hoặc bụi bặm nhiều.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, vì có thể làm bệnh nặng hơn; tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ em. Khi thấy viêm mũi kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, cần giữ cho vùng mũi họng của trẻ tránh được những tác nhân từ môi trường như: Tạo thói quen đội mũ ,đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh ăn các hàng quán lề đường, những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Phòng bệnh sẽ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng cho trẻ. Tuy nhiên khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mũi họng thì cha mẹ nên cho trẻ tới khám tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để trẻ được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Bên cạnh việc cho trẻ uống thuốc trực tiếp, hiện nay nhiều bệnh viện đang áp dụng phương pháp xông mũi họng cho bệnh nhi để hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm phế quản… Để hiểu hơn về ưu nhược điểm của phương pháp này, phụ huynh có thể tham khảo bài viết Có nên dùng máy xông khí dung cho trẻ? do BS Nguyễn Thị Ngọc Dinh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương chia sẻ.
Theo Omron-yte.com.vn