Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao có thể dẫn đến các biến chứng trong tương lai như bệnh tiểu đường, vấn đề về mắt, thận và các bệnh thần kinh, tim mạch… Lượng đường trong máu cao càng cần được thận trọng hơn trong trường hợp đó là người đang mang thai.
Thai phụ cẩn thận với lượng đường cao trong máu
Thai phụ có hàm lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tình trạng trẻ sinh ra dễ có nguy cơ kháng cự với insulin, từ đó làm tăng nguy cơ bị tiểu đường týp 2.
Để có kết luận trên, các nhà khoa học tại Đại học Alabama (Mỹ) đã khảo sát ở 21 trẻ em từ 5 đến 10 tuổi, đồng thời đo mức độ nhạy với insulin (một loại hormone điều hòa lượng đường trong máu) của trẻ cũng như xem xét các dữ liệu y tế của mẹ các em trong thời gian mang thai.
Ngoài ra, cuộc nghiên cứu còn cho thấy trẻ tiếp xúc với hàm lượng đường trong máu cao khi còn nằm trong bụng mẹ cũng làm tăng nguy cơ tiết nhiều insulin sau bữa ăn. Việc tiết ra nhiều insulin cũng được xem có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2 sau này.
Khó mang thai nếu đường trong máu cao và béo phì
Sau khi nghiên cứu hơn 23.000 phụ nữ mang thai tại chín quốc gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ có hàm lượng đường cao trong máu và bị thừa trọng lượng vài kg có nguy cơ khó có thai hơn so với những phụ nữ chỉ đơn giản là bị béo phì.
Cũng theo nghiên cứu trên, khi các bà mẹ vừa bị dư thừa trọng lượng vừa có hàm lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, con cái của họ khi sinh ra sẽ có cân nặng trung bình cao hơn 214g so với con cái của những người mẹ có trọng lượng trung bình và hàm lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Ngươc lại, con cái của những phụ nữ bị béo phì có hàm lượng đường trong máu ở mức bình thường, chỉ nặng hơn 174g.