Người bị viêm họng mạn tính thường có các biểu hiện như khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng nhất là khi ngủ dậy .
Viêm họng mạn tính là viêm mạn tính niêm mạc họng rất hay gặp. Người bệnh thường cảm thấy khô họng, nóng rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là khi ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt; Ho nhiều vào ban đêm hay khi lạnh. Khi uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng trở nên rõ rệt. Thường các viêm họng mạn tính sẽ lần lượt qua các giai đoạn xuất tiết, quá phát và teo nếu để kéo dài không điều trị.
Viêm họng mạn tính do nhiều nguyên nhân gây nên như do các ổ viêm tiềm tàng ở mũi, xoang (viêm xoang sau), viêm amidan; các dị tật ở mũi (dị hình vách ngăn, polýp mũi, thoái hóa cuốn mũi dưới), dị ứng (cơ địa), các kích thích (bụi, hóa chất, thuốc lá, rượu…).
Để điều trị nguyên nhân cần giải quyết các yếu tố trên. Ở giai đoạn xuất tiết thuốc điều trị tại chỗ có thể dùng: Súc họng bằng dung dịch kiềm như nước muối nhạt…; Bôi và chấm họng bằng glycerin borat 3%, S.M.C (salicylat Na, menthol); Khí dung họng bằng các hydrocortison phối hợp với kháng sinh. Nếu có nhiều nhầy dính ở thành sau họng thì rửa bằng dung dịch borat Na 1% cho hết vẩy, bôi họng và khí dung. Đốt điện nóng, cao tần đốt bằng nitơ lỏng hay laser (ở giai đoạn quá phát). Ở giai đoạn teo có thể bôi glycerin iốt 0,5%…
Để phòng bệnh nên đeo khẩu trang bảo hộ khi tiếp xúc với bụi và hóa chất; Súc họng hằng ngày bằng dung dịch kiềm ấm hoặc nước muối và nâng cao thể trạng bằng các vitamin như A, C…
BS. Bích Ngọc