Vào thời điểm mùa mưa, tỷ lệ sốt xuất huyết lại tăng nhanh và có diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ.
Diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nam Bộ
Sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nam bộ. Theo tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, các tỉnh, thành phía nam vẫn đang triển khai dập dịch chủ động trên diện rộng. Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết vẫn cao vì chưa tạo thành phong trào phòng bệnh rộng khắp trong người dân và chất lượng chống dịch còn yếu.

Sốt xuất huyết tăng nhanh và có diễn biến phức tạp tại Tây Nam bộ
Mặc khác, theo Cục y tế dự phòng, tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trễ vẫn còn cao, chiếm khoảng 40%. Các bệnh nhân này đã được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi chuyển lên tuyến trên. Hầu hết, khi nhập viện tuyến cuối, bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng.
Đa số các trường hợp tử vong sau một tuần điều trị do biến chứng và suy tạng.
Đánh giá tình hình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết không chỉ ở Việt Nam mà bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực. Bệnh gia tăng mạnh tại Campuchia, Malaysia, Philippines và Úc.
Theo bà Tiến, tại Việt Nam, khu vực Tây Nam bộ bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó cộng đồng người dân chưa tham gia vào hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
“Hiện mới chỉ đầu mùa dịch, nếu không ngăn chặn tích cực ngay từ bây giờ thì khả năng số ca mắc và tử vong do bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh vào tháng 9, 10”, Bộ trưởng đánh giá.
Bà Tiến yêu cầu các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành nhanh chóng triển khai phòng chống dịch sốt xuất huyết; giám sát chặt chẽ các vùng có nguy cơ xảy ra dịch; điểm “nóng” để xử lý triệt để ổ dịch… Đồng thời, tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục tăng nhanh tại Đà Nẵng
Kết quả thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 273 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong tháng 9 và tháng 10 , số lượng người bị sốt xuất huyết tăng nhanh với 183 bệnh nhân nhập viện điều trị. Trong đó có trên 75% bệnh nhân có độ tuổi từ 15 trở lên.
Hiện nay, bệnh đã xuất hiện tại tất cả bảy quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đặc biệt đã xuất hiện 1 số ổ dịch nhỏ tại Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê.
Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, hiện có 2 loài muỗi là thủ phạm chính gây bệnh là muỗi Aedes aegypti và muỗi Aedes albopictus (còn gọi là muỗi hổ châu Á hay muỗi rừng ban ngày). Trong đó, muỗi Aedes albopictus rất khó phát hiện và có mầm bệnh sốt xuất huyết cực độc.
Bác sĩ Dương Ấm Mậu, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường nên dễ phát sinh các ổ dịch mới.
Lưu ý để phòng ngừa sốt xuất huyết:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:
- Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…) để diệt bọ gậy (lăng quăng).
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.
- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.