Béo phì là tình trạng dư thừa toàn bộ trọng lượng mỡ cơ thể hoặc dư thừa mỡ dự trữ của cơ thể. Béo phì thường làm cho tình trạng sức khỏe của cơ thể bị suy giảm. Béo phì là một vấn đề sức khỏe của trẻ em và nó có tầm quan trọng rất lớn với sức khỏe cộng đồng.
Béo phì ở trẻ em. Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Béo phì là một vấn đề sức khỏe, bệnh tật, tử vong của trẻ em ở tuổi trưởng thành vì nó liên quan đến bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 kháng insulin, sức khỏe tâm thần… Béo phì là kết quả của môi trường tương tác giữa các yếu tố di truyền, sinh học, văn hóa xã hội, yếu tố môi trường.
Nhận biết trẻ bị béo phì
– Cân nặng của trẻ so với cân nặng của trẻ bình thường theo hằng số sinh học cùng tuổi > +3SD.
– Tính cân nặng lý tưởng so với chiều cao (Ideal Body Weight for Height):
– IBWH= (P đo được)/(p trung bình so với chiều cao ) x 100.
Béo phì khi IBWH > 120%
– Chỉ số khối của cơ thể (Body Mass Index BMI):
BMI = (P (kg))/(h2 (m) )
BMI của trẻ thay đổi theo tuổi, ta có thể so sánh với bảng chỉ số BMI và % của trung tâm phòng và kiểm soát bệnh tật của Mỹ cho trẻ từ 2 – 20 tuổi nếu 85% – 95% nguy cơ cho trẻ quá cân, trên 95% là béo phì.
– Đo chiều dày nếp gấp da ở cơ nhị đầu, tam đầu, trên mào chậu…
– Xác định khối lượng mỡ của cơ thể.
Phân loại béo phì ở trẻ
Có nhiều cách phân loại béo phì ở trẻ:
Phân loại theo cơ chế bệnh sinh:
- Béo phì đơn thuần.
- Béo phì bệnh lý.
Phân loại theo tuổi xuất hiện:
- Béo phì xuất hiện trước 5 tuổi.
- Béo phì xuất hiện sau năm tuổi.
Hoặc:
- Béo phì xuất hiện ở tuổi nhỏ.
- Béo phì xuất hiện ở người lớn.
Phân loại theo hình thái, vị trí giải phẫu:
- Béo đều toàn thân hay gặp ở béo phì đơn thuần.
- Béo bụng.
- Béo thân, béo đùi. Loại này hay gặp ở béo bệnh lý.
Nguyên nhân gây béo phì đơn thuần ở trẻ.
Béo phì đơn thuần hay còn được gọi là béo phì ngoại sinh, rất hay gặp trong lâm sàng và cả ở ngoài cộng đồng. nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi cân bằng năng lượng thu vào tăng, năng lượng tiêu hao giảm đưa đến hậu quả tăng tích mỡ. một số nguyên nhânvà yếu tố nguy cơ gây béo phì khác bạn cần biết như sau:
- Yếu tố di truyền.
- Cân nặng lúc sinh trên 4 kg.
- Số lượng thức ăn quá nhiều so với nhu cầu.
- Thành phần các chất trong thức ăn không cân đối: nhiều mỡ, đường, ít rau quả.
- Mức sống của gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng béo phì của trẻ, cụ thể ở các nước phát triển các gia đình có mức sống thấp tỷ lệ béo phì tăng, còn ở nước ta qua điều tra cho thấy tỷ lệ béo phì ở thành phố cao hơn ở nông thôn, ở nội thành cao hơn ở ngoại thành. Ngoài ra, một số ít trường hợp cho thấy rằng, con út, con một hay dễ bị béo phì hơn cả.
- Trẻ xem vô tuyến , chơi trò chơi điện tử nhiều cũng là một yếu tố nguy cơ.
- Trẻ ngủ nhiều cũng là một yếu tố nguy cơ.
Có một điều đáng nói và quan tâm là yếu tố di truyền thường không thể thay đổi được, nhưng các yếu tố khác có thể thay đổi được. Nếu chúng ta tác động tích cực vào chúng thì các biện pháp phòng chống béo phì sẽ có hiệu quả tốt.
Điều trị béo phì đơn thuần
Nguyên tắc điều trị béo phì đơn thuần là giảm tốc độ tăng cân để trẻ phát triển chiều cao.
Điều chỉnh chế độ ăn:
Với trẻ nhỏ:
- Trẻ bú sữa mẹ là thích hợp nhất
- Calo và protein đủ, giảm mỡ.
Với trẻ lớn:
- Cho uống sữa không đường.
- Hạn chế các món xào.
- Ăn đều các bữa, không bỏ bữa và không ăn quá no, không ăn nhiều về đêm.
- Tăng hoa quả rau.
Cần chú ý:
- Không cho trẻ uống nhiều nước ngọt có ga.
- Hạn chế dùng bánh kẹo, sữa đặc có đường.
- Trước khi đi ngủ không nên cho trẻ ăn.
- Tăng cường các hoạt động:
- Luyện tập thể dục, thể thao.
- Cho trẻ tham gia việc nhà.
- Hạn chế xem ti vi, chơi trò chơi điện tử nhiều.
- Luôn theo dõi quá trình điều trị bằng cách theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ định kỳ cũng như quan sát chế độ ăn uống, hoạt động thể dục thể thao hàng ngày của trẻ.