Tiểu đường thai nghén là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai . Đây là một biến chứng khá phổ biến của thai kỳ. Có khoảng 4% phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai nghén.
Khi người phụ nữ mang thai, lượng hóc môn trong cơ thể tăng lên nhất định bao gồm cả cortisol, estrogen , và lactogen nhau thai. Sự tăng lên của các hóc môn này có thể cản trở việc quản lý lượng đường trong máu. Tình trạng này được gọi là “kháng insulin”. Thông thường, tuyến tụy (cơ quan sản xuất insulin) có thể tăng sản xuất insulin gấp 3 lần bình thường để bù đắp lại lượng insulin bị kháng lại. Nếu tuyến tụy sản xuất insulin không đủ để khắc phục những tác động khi hóc môn tăng, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và gây ra đái tháo đường thai nghén.
Một số yếu tố nguy cơ phổ biến của tiểu đường ở phụ nữ mang thai là do người phụ nữ có huyết áp cao, mắc bệnh béo phì khi mang thai, đã từng sinh con bị chết non hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh, có tiền sử tiểu đường thai kỳ trong các lần mang thai trước, trong gia đình, họ hàng có người bị tiểu đường, mắc bệnh tiểu đường tuyp 1 hoặc tuyp 2 trước khi mang thai…
Tiểu đường thai kỳ phổ biến ở những phụ nữ hơn 30 tuổi. Có nghiên cứu cho rằng những người phụ nữ có nguồn gốc, chủng tộc nào đó của châu Phi, Tây Ban Nha, châu Á, người Mỹ bản xứ, hoặc Thái Bình Dương thường dễ mắc tiểu đường thai nghén. Tuy nhiên, một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai không có yếu tố nguy cơ.
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai nghén thường có các triệu chứng như mờ tầm nhìn, đi tiểu thường xuyên hơn trong thời kỳ mang thai, cảm thấy khát nước liên tục. Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang. Một số phụ nữ luôn luôn cảm thấy đói mặc dù lượng ăn vào rất nhiều, họ thường xuyên thèm ăn nhưng lại bị giảm trọng lượng cơ thể. Đôi khi những những thai phụ mắc bệnh tiểu đường có dấu hiệu buồn nôn và nôn.
Nếu không được chữa trị, bệnh tiểu đường lúc mang thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Ví dụ, thai nhi của các bà mẹ không được điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ có thể phát triển quá to (gọi là macrosomia), gây khó khăn và nguy hiểm cho quá trình sinh nở như chấn thương vai và cánh tay của em bé. Trẻ sơ sinh cũng có thể gặp giảm đột ngột lượng đường trong máu sau khi sinh, cần điều trị cung cấp đường. Em bé cũng có thể bị vàng da và khó thở.
Nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có mẹ có bệnh tiểu đường lúc mang thai là rất thấp bởi vì hầu hết các phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai sau tuần thứ 20 của thai kỳ, khi đó thai nhi đã phát triển đầy đủ. nguy cơ dị tật bẩm sinh cho trẻ có thể tăng nếu phụ nữ có bệnh tiểu đường không được chẩn đoán trước khi mang thai. Nếu người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kì thì đứa con sinh ra có thể mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 khi trưởng thành và mắc bệnh béo phì
Hầu hết phụ nữ nồng độ đường trong máu trở lại bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, một khi đã có bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường thai một lần nữa trong thời gian mang thai sau. Bên cạnh đó, cũng có khả năng phát triển bệnh tiểu đường trong đời, 50% phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai nghén phát triển bệnh tiểu đường trong vòng 10 đến 20 năm sau khi sinh con.
Để phòng tránh bệnh tiểu đường thai nghén cần cải thiện các nguy cơ của bệnh như tránh tăng cân quá mức cả trước và sau khi mang thai, tập thể dục theo hướng dẫn của cán bộ y tế, có chế đô ăn uống cân bằng lành mạnh và tránh các loại thuốc có thể gây tình trạng kháng insulin. Điều cần thiết là khi mang thai người phụ nữ cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và tránh các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.
Thu Cúc