Huyết áp thấp là khi đo huyết áp cho chỉ số huyết áp tối đa dưới 90 mmHg và chỉ số huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60 mmHg. Những người bị huyết áp thấp thường có những biểu hiện như mệt mỏi, giảm tập trung trí lực, hoa mắt, tổng trạng yếu, đặc biệt khi thay đổi tư thế có cảm giác choáng, có thể ngất đi, nhịp tim nhanh…
Huyết áp thấp là do hai yếu tố tác động chủ yếu là lưu lượng tim và sức cản ngoại vi; lưu lượng tim phụ thuộc vào sức co bóp cơ tim, chủ yếu là chức năng bóp của tâm thất trái, sức cản ngoại vi phụ thuộc chủ yếu vào độ đàn hồi của thành mạch máu. Có hai loại huyết áp thấp: huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.
Theo y học cổ truyền, quế là một vị thuốc điều trị huyết áp thấp rất hay. Quế có vỏ cây màu nâu, có mùi thơm… Bộ phận thường được sử dụng là vỏ cây và cành non. Người ta thường thu hái và chế biến quế chi (cành non) bằng cách: vào mùa xuân, mùa hạ chặt lấy cành non, bỏ lá cắt thành từng khúc dài đem phơi khô. Còn vào mùa thu người ta lấy nhục quế (vỏ cây) bằng cách bóc vỏ, phơi khô trong bóng râm.
Công dụng và liều dùng quế chữa bệnh như sau: vỏ quế có vị cay, ngọt, tính ấm, đi vào các kinh tâm, phế, bàng quang. Quế có tác dụng phát hãn, giải cơ, ôn thông kinh mạch, trợ dương, hóa khí, giáng khí nghịch. Dùng quế để bổ trị hỏa dương, bổ hỏa mệnh môn, dẫn hỏa quy nguyên, tán hàn, chỉ thống. Liều lượng sử dụng từ 3-9g quế chi; 1-4g nhục quế dưới dạng thuốc sắc. Những bài thuốc (dùng một trong các bài) chữa huyết áp thấp từ quế gồm có:
+ Bài 1: Quế chi 12g, chích cam thảo 15g, hoàng kỳ 24g, đương quy 12g, can khương 10g. Đem sắc (nấu) uống ngày 1 thang, uống 2 lần trong ngày.
+ Bài 2: Nhục quế 40g, quế chi 40g, cam thảo 20g. Đem hãm lấy nước chia 3 lần uống hoặc sắc (nấu) uống trong ngày.
+ Bài 3: Quế chi 6g, cam thảo 6g, kê quan hoa 15g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15g, trần bì 6g, đẳng sâm 20g, bạch truật 10g, thăng ma 6g. Đem nấu uống ngày 1 thang.
+ Bài 4: Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả. Nấu uống nóng ngày 1 thang.