Ngày 31/3, Cục y tế Dự phòng cho biết, cúm A/H1N1 đã lan rộng ra 35 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có hơn 200 ca mắc dịch, 7 trường hợp đã tử vong. Cùng thời điểm này, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ dịch sốt phát ban đang giảm dần.
Tại các điểm giám sát cúm quốc gia vẫn ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H1N1 rải rác ở 35 tỉnh, thành trên cả nước. Số bệnh nhân tử vong phần lớn có tiền sử bệnh mãn tính, người già và phụ nữ mang thai (01 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, 01 trường hợp bị khối u trung thất, 01 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 01 trường hợp viêm ruột hoại tử).
Sáng 01/4, theo ghi nhận của PV Dân trí tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ thì số ca mắc cúm A/H1N1 tính đến thời điểm này là 173 ca, trong đó 143 ca thường trú tại Hà Nội, 30 ca còn lại ở các tỉnh, thành phía Bắc chuyển về. Trong đó có 6 ca nặng, phải thở máy và điều trị tích cực, không có ca tử vong.
Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, những ngày cuối tháng 3, bệnh viện vẫn tiếp nhận rải rác các ca cúm A/H1N1. Nhìn chung, số ca mắc cúm đã thưa dần nhưng lại lan rộng ra các tỉnh, thành.
Bên cạnh đó dịch sốt phát ban đang có dấu hiệu giảm, những tuần trước mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận trên dưới 30 ca vào viện thì tuần vừa rồi giảm xuống còn 20 ca. Tính đến thời điểm này (hết ngày 31/3) có 207 trường hợp mắc sốt phát ban đã và đang được bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị, 13 ca nặng phải thở máy, theo dõi tích cực. Trong đó, Hà Nôi có 172 ca, 35 ca còn lại từ các tỉnh, thành khác. Đáng lưu ý, số bệnh nhân sốt phát ban là phụ nữ có thai lên đến 63 ca, chiếm gần 1/3 số bệnh nhân nhập viện.
ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm khuyến cáo, thời tiết giao mùa như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho vi – rút sinh sôi, phát triển và dễ phát tán trong cộng đồng. Khi có biểu hiện cúm, sốt phát ban cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, khám.
Cách phòng chống bệnh cúm A(H1N1) lây từ người sang người?
Các biện pháp để phòng chống bệnh cúm A(H1N1) lây từ người sang người giai đoạn dịch đã xâm nhập vào Việt Nam:
1. Tăng cường vệ sinh cá nhân:
Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi; *
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
2. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh:
Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế;
Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp;
Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.
3. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh:
Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt;
Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn Ethanol 70 độ;
Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.