Loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi thực đơn hoặc cùng lắm chỉ ăn các loại chất béo thay thế trong các loại thực phẩm ăn kiêng. Đó là lời khuyên mà một số chuyên gia dinh dưỡng đưa ra cho những người muốn giảm cân. Nhưng thực tế có đúng như vậy?
“Chất béo giả” có thể gây béo thật
Tại Đại học Purdue (Mỹ), các nhà khoa học đã thí nghiệm trên 2 nhóm chuột. Một nhóm được ăn các thức ăn giàu chất béo dành cho động vật, nhóm còn lại ăn các thức ăn ít chất béo. Sau đó, mỗi nhóm lại được chia làm hai. Bên cạnh thức ăn dành cho động vật, một nửa của mỗi nhóm được cho ăn snack khoai tây Pringle có hàm lượng chất béo cao. Nửa còn lại thỉnh thoảng được ăn snack Pringle thường, thỉnh thoảng được cho ăn loại ít năng lượng (Pringles Light). Đây là loại thường được những người muốn giảm cân lựa chọn, vì nó sử dụng olestra, một chất tổng hợp thay thế chất béo (hay còn được gọi là chất béo giả), mà theo như quảng cáo thì giúp thực phẩm có hương vị thơm ngon, bùi béo, nhưng lại không tạo ra năng lượng.
Các nhà khoa học nhận thấy, những con chuột được nuôi bằng thức ăn cho động vật có hàm lượng chất béo cao, đồng thời thỉnh thoảng ăn thêm Pringles Light tăng cân và lượng mỡ trong cơ thể nhanh hơn đáng kể so với những con được cho ăn loại snack thường. Sau khi bỏ snack Pringles Light khỏi thực đơn, số chuột này cũng không giảm cân.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì chất béo nhân tạo (như olestra) cũng tạo ra ở não những phản ứng sinh học tương tự như chất béo thật. Não chờ cơ thể cung cấp một lượng lớn calo, và khi calo không đủ, não điều tiết cơ thể chuyển sang chế độ chống đói bằng cách chuyển hóa thêm calo thành mỡ. Như vậy, sử dụng các chất này không những không giúp giảm cân, mà còn có thể làm béo thêm.
Bỏ hẳn chất béo: Lợi hay hại?
Một số tài liệu hướng dẫn phương pháp ăn uống để giảm cân cho rằng 1g chất béo ung cấp 9 calo, trong khi 1g carbohydrate và protein chỉ cung cấp 4 calo, chính vì vậy, nếu muốn giảm cân, phải loại bỏ triệt để chất béo ra khỏi thực đơn.
Những người đưa ra lời khuyên trên đã không xem xét vấn đề một cách toàn diện. Đúng là các thực phẩm giàu chất béo cung cấp nhiều calo, nhưng mặt khác, chỉ cần ăn một lượng nhỏ những sản phẩm này là người ta đã cảm thấy no, trong khi các thực phẩm được coi là tốt cho sức khoẻ, như rau quả, thường dễ ăn và đỡ ngán hơn người ta thường ăn nhiều hơn. Lượng calo đưa vào cơ thể khi ăn hai nhóm thực phẩm này chưa chắc đã chênh lệch nhiều như người ta kỳ vọng. Bên cạnh đó, chất béo còn rất quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thu một số vitamin và phytonutrient (các thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ trong rau củ). Do đó, loại bỏ hoàn tòan chất béo khỏi bữa ăn hàng ngày không những không giúp giảm cân, mà còn có thể gây hại cho cơ thể.
Lời khuyên đúng đắn ở đây là nên ăn một lượng chất béo hợp lý và có chọn lọc. Các loại chất béo có lợi cho sức khoẻ là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, có nhiều trong dầu thực vật (đặc biệt là dầu hạt cải, dầu ôliu), cá. Các loại chất béo này không làm tăng cholesterol trong máu, giúp làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Nên tránh chất béo bão hòa (có nhiều trong một số sản phẩm sữa) và chất béo trans (có nhiều trong bánh kẹo, đồ ăn nhanh, margarine cứng). Lý do không phải vì các loại này cung cấp nhiều calo hơn các chất béo không bão hòa, mà vì chúng làm tăng cholesterol, dẫn đến nhiều nguy cơ về mặt sức khoẻ.
Theo Dinh Dưỡng