Trẻ thừa cân, béo phì hay đi kèm với các bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp. Béo phì ở trẻ nhỏ còn nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến dậy thì sớm, ngừng tăng trưởng sớm, và các ảnh hưởng tâm lý như tự ti, nhút nhát, kém hòa đồng…
Để đánh giá thể trọng của trẻ, bạn hãy tính chỉ số khối cơ thể BMI (lấy cân nặng tính bằng kg chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét). Nếu BMI 25 trở lên là thừa cân, 30 trở lên là béo phì.
Nếu đã xác định sức khỏe là yếu tố tiên quyết thì ngay khi con thừa cân, bạn hãy giúp trẻ ngay. Việc ăn uống hợp lý kết hợp với việc luyện tập khoa học chắc chắn sẽ sớm đem lại kết quả trong giảm béo.
Các bài luyện tập phù hợp
Vận động ở trẻ không phải là các môn thể thao nặng để tiêu hao nhiều năng lượng giúp giảm cân nhanh mà chú trọng những sở thích của trẻ, cho trẻ tham gia các môn thể thao dễ dàng, gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang… Bởi các môn thể thao nặng, không những trẻ khó tập mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hình thể của trẻ sau này, khiến trẻ phát triển thiếu cân đối.
Đi bộ là phương pháp vận động đơn giản nhất, không đòi hỏi phải có dụng cụ luyện tập. Thay vì cho trẻ đi bộ mỗi lần 30 phút, bạn có thể chia thành 2 lần, mỗi lần 15 phút. Phải tập thường xuyên, kể cả chủ nhật, ngày nghỉ, lễ tết.
Do đặc điểm sinh lý của trẻ chưa hoàn hảo, việc hướng dẫn các bài tập luyện cần có tính chất vui chơi thoải mái hơn là căng thẳng.
Vì trẻ rất hiếu động, nên đi đôi với việc hướng dẫn các bài tập cơ bản, cần chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân cách của trẻ, vì vậy các hoạt động tập luyện mang tính tập thể là tốt nhất.
Những hoạt động ngoài trời
Ngoài tập thể thao, hãy khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời. Đây cũng là một cách tập luyện rất hữu ích, lại phù hợp với tâm lý của trẻ.
Những việc bạn nên làm
Không gây áp lực cho trẻ
Bạn phải luôn luôn nói cho trẻ thấy vai trò quan trọng của việc tập luyện để có được một thân hình đẹp. Phải trung thực khi nói với trẻ về những nguy cơ và những vấn đề khác trẻ có thể gặp nếu thừa cân. Nhưng bạn cũng nên nói với trẻ rằng cả gia đình sẽ cùng nhau thực hiện những điều tốt cho sức khỏe và hãy để trẻ biết rằng bạn sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ con.
Thay vì giảm bao nhiêu kilô trong 1 tuần, 1 tháng, hãy đặt ra mục tiêu mỗi ngày tập thể dục 30 phút hay tập như thế nào.
Hãy động viên một cách hợp lý về chiến dịch giảm cân để giúp trẻ tự tin hơn. Những đứa trẻ “quá khổ” rất nhạy cảm và dễ tủi thân. Vì vậy, đừng bao giờ cười giễu và gọi trẻ với những cái tên bệu, heo, ú… Thực tế là không ít trẻ do bị chế nhạo quá nhiều đã ì ra và trở nên bất cần hơn trong sự mặc cảm.
Luôn kịp thời khen ngợi những nỗ lực giảm cân của con và giúp con khám phá ra lối sống lành mạnh hơn. Hãy để con biết rằng bạn rất yêu chúng và rằng cân nặng của chúng có thế nào cũng không thể quan trọng hơn tình cảm của bạn dành cho con.
Cùng trẻ luyện tập
Bạn đừng để trẻ phải tập luyện một mình. Bởi việc tập luyện với người thân, bạn bè hay ở chỗ đông người sẽ giúp trẻ có cảm hứng, không cảm thấy đơn độc và luyện tập có hiệu quả hơn. Động viên trẻ tập thể dục thể thao hằng ngày bằng cách cả gia đình cùng tập. Hãy rủ cả nhà cùng ra ngoài trời để đạp xe, đi lòng vòng hay thậm chí chỉ là đi bách bộ một chút. Hãy cùng đưa ra thách đố cho đoạn đường 5km nào đó hay bất kỳ ý tưởng luyện tập cùng nhau nào.
Nếu không có thời gian tập cùng con, bạn hãy cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ thể thao để có môi trường tập luyện nghiêm túc.
Đừng để con bỏ dở bài tập giữa chừng, nếu thấy trẻ nản chí, bạn có thể rủ bạn bè của con đến tham gia.
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Ngủ ít cũng gây béo phì, làm giảm tiêu mỡ (quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ). Hãy để trẻ ngủ 9-10 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nên cho trẻ đi ngủ sớm và thức dậy sớm, sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.
Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình
Tivi, trò chơi điện tử… là đồng minh của béo phì. Theo một số nghiên cứu, trong khi xem tivi, sự trao đổi chất giảm đáng kể. Bên cạnh đó, trẻ xem tivi nhiều cũng có nguy cơ mắc cận thị hoặc các bệnh về khúc xạ, bệnh tự kỷ, không biết cách giao tiếp với xã hội… Do đó, nên tách trẻ ra khỏi màn hình bằng cách yêu cầu trẻ giúp đỡ bạn làm việc nhà, vui đùa với em hay vật nuôi…
Chỉ nên cho trẻ xem một tiếng hay đưa ra nguyên tắc, bất kỳ ai xem tivi đều sẽ phải kết hợp với đạp xe hay tập trên máy chạy bộ.
Là tấm gương cho trẻ noi theo
Để con tập luyện được tốt, bạn phải là người gương mẫu. Bạn nên nhớ rằng trẻ thường ít khi làm theo những gì mà chúng ta nói, nhưng sẽ luôn làm theo những gì mà chúng ta làm. Chỉ khi bạn là một tấm gương sáng, lời nói của bạn mới trở nên có hiệu lực đối với con bạn.
Luôn chú ý đến trẻ
Để tránh bị thương tích khi tập luyện, bạn cần tập cùng trẻ hoặc để mắt quan sát trong thời gian trẻ tập luyện. Khi có bất kỳ biểu hiện nào của sự đuối sức trong khi tập, cha mẹ phải cho trẻ dừng tập ngay, không nên bắt trẻ tập quá sức, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe chung của trẻ.
Theo Mang thai