Hen phế quản là một trong những bệnh phổ biến nhất với những hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, việc điều trị hiệu quả căn bệnh cần một liệu pháp tổng hợp bao gồm cả việc ăn uống hợp lý và rèn luyện tâm thể để kiểm soát cảm xúc và nâng cao sức kháng bệnh.
Dùng thảo dược chữa bệnh hen suyễn
- Cải củ: Củ, lá, hoa và hạt cây cải củ có hoạt tính kháng khuẩn đối với những vi khuẩn gram dương. Hạt cải củ được dùng chữa hen suyễn, ho nhiều đờm, sốt. Ngày dùng 6-12 g sắc uống.
- Gừng: Trên thực nghiệm, gừng có tác dụng chống dị ứng, thể hiện trên tác dụng chống co thắt cơ trơn. Cineol trong gừng có tác dụng kháng khuẩn trên nhiều chủng vi khuẩn. Gừng còn có tác dụng giảm ho, chống viêm và giảm đau. Gừng khô, gừng sao chữa ho suyễn, ho có đờm. Ngày dùng 3-6 g dạng thuốc sắc hay bột. Gừng được dùng trị hen phế quản, viêm phế quản, viêm họng, chống cảm lạnh và chống nhiễm khuẩn trong các chứng ho và sổ mũi.
- Ngải cứu: Trong y học cổ truyền, người ta dùng thân và lá ngải cứu khô đốt và hít khói chữa hen phế quản.
- Táo ta: Theo kinh nghiệm dân gian, lá táo được dùng trị hen. Một thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh lá táo có tác dụng chữa viêm phế quản, khó thở. Trong một thử nghiệm lâm sàng khác, viên ngậm bào chế từ lá táo đã có tác dụng cắt cơn hen phế quản rõ rệt. Với liều ngậm mỗi lần 1 viên, ngày 5 viên, nó có tác dụng dự phòng xuất hiện cơn hen trong một số trường hợp, đồng thời có tác dụng long đờm, giảm ho.
- Tế tân: Tinh dầu tế tân có tác dụng gây giãn cơ trơn khí phế quản. Tế tân được dùng chữa hen. Ngày dùng 4-6 g sắc uống.
- Tía tô: Tinh dầu tía tô có tác dụng ức chế phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao và một số chủng vi khuẩn khác. Luteolin trong tía tô có tác dụng chống dị ứng. Hạt tía tô được dùng trị hen suyễn và ho có đờm. Ngày dùng 3-10 g hạt tía tô sắc uống.
- Tiền hồ: Trong thực nghiệm trên động vật, tiền hồ có tác dụng long đờm kéo dài 6-7 giờ sau khi cho uống. Tiền hồ được dùng chữa hen suyễn, ngực tức khó thở, viêm phế quản, ho gà, ho đờm. Ngày dùng 10 g sắc uống.
Các bài thuốc chữa bệnh hen:
Chữa ho suyễn, khí đoản, ngực đầy tức:
- Hạt tía tô 10 g, đương quy 8 g; cam thảo, nhục quế, mỗi vị 2 g; tiền hồ, hậu phác, lá tía tô mỗi vị 4 g, gừng tươi 2 lát, đại táo một quả. Sắc uống ngày một thang.
- Hạt tía tô 10 g, bạch giới tử 8 g, hạt cải củ 8 g, đường phèn vừa đủ. Sắc rồi cho đường vào nước sắc, uống nóng, ngày một thang.
- Hạt tía tô, hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị 12 g; phòng phong 8 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa hen phế quản:
- Thể hàn: Tiền hồ 10 g, hạt tía tô, ngải cứu, đại táo mỗi vị 12 g, đương quy 10 g, trần bì, hậu phác, quế chi mỗi vị 8 g, gừng 4 g. Sắc uống ngày một thang.
- Thể nhiệt: Tiền hồ, thiên môn, mạch môn, tang bạch bì, ô mai, bách bộ, thạch cao mỗi vị 12 g; trần bì 6 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa hen khó thở, ho đờm, cảm sốt: Tiền hồ, mạch môn, rễ lức mỗi vị 12 g; rễ dâu, tía tô hay hương nhu trắng mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.
Mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn
1. Dùng nước ép cà chua với bột nghệ hàng ngày sẽ làm giảm viêm mũi dị ứng và khó thở gây đau đớn khi lên cơn hen. Dùng một nửa cốc nước ép cà chua tươi trộn với một thìa đầy bột nghệ, dùng trong khoảng 1tuần đến 10 ngày sẽ có hiệu quả rất tốt.
2. Một thìa hạt rau diếp ( xà lách) trộn với mật ong, dùng một ngày hai lần trong suốt quá trình điều trị hen suyễn và viêm phổi rất bổ cho cơ thể.
Thường xuyên dùng cách này để giảm phụ thuộc vào thuốc chữa hen và cải thiện sức khoẻ của bạn. Lấy khoảng 30g mật ong trộn với một thìa hạt rau diếp sống uống trước bữa ăn. Ngoài ích lợi trên, hạt rau diếp còn chứa lignose giúp khử trùng ruột.
3. Một thìa nước ép bạc hà tươi với 2 thìa giấm mạch nha nguyên chất cộng với một lượng tương tự mật ong quấy đều trong khoảng 120g nước ép cà rốt. Ngày dùng 3 lần như một loại thuốc bổ phổi và chữa hen suyễn cho kết quả tốt. Nó giúp mở rộng lối thông khí và miễn dịch các chất gây dị ứng mũi.
4 . Một chén đầy nước ép mướp đắng trộn với 1 thìa cà phê mật ong. Ngày dùng một lần, dùng trong khoảng ba tháng có thể chữa hen suyễn và viêm phổi trong một số trường hợp đặc biệt. Cách này rất dễ áp dụng đối với bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn.
5. Lá cây cà pháo hay cà tím là thuốc trị co thắt khí quản. Một nửa thìa nước lá cây cà với một thìa mật ong dùng 3 lần mỗi ngày giúp giảm sung huyết (tắc nghẽn) phổi, viêm phổi và ho. Nó có tác dụng tốt để điều trị ho dị ứng hoặc dị ứng phổi. Tuy nhiên, cách này chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian là 10 ngày hoặc phải thay bằng cách khác nếu nó không có tiến triển tốt.
Dinh dưỡng trong chữa và điều trị bệnh hen suyễn
Tuy dinh dưỡng không đóng vai trò quyết định trong điều trị bệnh hen suyễn như dược phẩm, nhưng gần đây khoa học cho thấy chế độ dinh dưỡng góp phần trong việc làm gia tăng tần suất mắc bệnh hen suyễn trong cộng đồng, do đó một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần trong phòng ngừa và kiểm soát bệnh hen suyễn.
Vai trò của acid béo omega 3 : Chế độ ăn mất cân bằng trong tỉ lệ acid béo omega 6/omega 3 làm tăng cường giải phóng các hóa chất gây viêm làm tăng nặng bệnh hen suyễn. Để phòng và điều trị, người bệnh hen nên giảm lượng thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 6 và tăng thực phẩm giàu omega 3 theo chỉ định của bác sỹ. Hoặc cũng có thể bổ sung bằng viên dầu cá (chứa nhiều acid béo omega 3).
Giảm cân nếu béo phì: Tuy bằng chứng y học chưa mạnh nhưng có rất nhiều nghiên cứu chứng minh mối tương quan giữa béo phì và bệnh hen suyễn. Đặc biệt gần đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường có cơ chế viêm. Viêm cũng là cơ chế chính trong bệnh hen suyễn. Do đó các hóa chất gây viêm phát sinh do mất cân bằng mô mỡ trong bệnh béo phì cũng có ảnh hưởng làm nặng thêm bệnh hen suyễn. Vì thế lời khuyên đối với người hen suyễn là giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
Vai trò của các chất dinh dưỡng chống ôxy hóa (hay còn gọi là chống lão hóa): Để phòng và điều trị hen suyễn, người bệnh cần tăng cường các chất dinh dưỡng có tính chống ôxy hóa bao gồm glutathione, vitamin C, vitamin E, beta-caroten là tiền chất vitamin A… Những chất này có nhiều trong các loại trái cây (nho, bưởi, mận, dâu, cam, thơm…), rau quả và rau mầm, trái cây khô, các loại đậu, hạt…
Vai trò của chất magiê : magiê có tác dụng giúp giãn cơ trơn và kháng viêm. Do đó người bệnh hen nên ưu tiên dùng thực phẩm giàu magiê gồm rau lá xanh, cà chua, các loại đậu (đặc biệt là đậu đen, đậu trắng, đậu nành), hạt (đặc biệt là hạt bí, hạt dẻ, hạt điều), chuối, ngũ cốc nguyên cám, sữa và chế phẩm từ sữa, atisô.
Vai trò của các chất methylxanthin: đây là một nhóm thuốc có tác dụng điều trị hen qua cơ chế làm giãn phế quản và có tác dụng kháng viêm nhẹ. Chất này trong tự nhiên có trong các thực phẩm nhiều cafein bao gồm trà, cà phê, nước ngọt coca cola, sôcôla… Người bệnh hen suyễn sử dụng vừa phải các thực phẩm chứa methylxanthin cũng góp phần ổn định bệnh.
Tham khảo thêm triệu chứng bệnh hen suyễn
Omron-yte.com.vn (Tổng hợp)